Cần chỉ đạo xử lý nghiêm việc các thuỷ điện xả lũ gây thiệt hại cho dân

62 hộ dân trên địa bàn xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã gửi đơn thư khiếu kiện nhiều lần đến các đơn vị, cơ quan chức năng để đòi bồi thường do các công trình thủy điện xả lũ, gây ngập lụt thiệt hại hoa màu của người dân từ ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2020 và mưa lũ năm 2021. Nhưng đến nay, các chủ thủy điện vẫn không chịu bồi thường, đổ lỗi cho nhau và khẳng định nhà máy xả lũ đúng.

Ngày 28/10/2020, trên lưu vực sông Đăk Psi, lượng mưa rất lớn, lũ về hồ nhanh nên các công trình thủy điện Đăk Psi bậc 1 và bậc 2 thực hiện vận hành cửa van xả lũ để đảm bảo an toàn công trình. Tại công văn số 296 ngày 16/6/2022 sở Công thương tỉnh Kon Tum đã có công văn báo cáo UBND tỉnh trong đó ghi rõ việc vận hành công trình thủy điện Đăk Psi bậc 1 và bậc 2 của Công ty cổ phần thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi không đảm bảo quy trình. Đồng thời, trình tự, phương thức đóng mở cửa van đập tràn chưa tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Chính vì vậy đã gây ngập lụt  nhà ở và nhiều diện tích hoa màu của người dân vùng lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 ở xã Đắk Psi.

Bà NGUYỄN THỊ NAM, Xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum: “Khi mà tất cả thủy điện hoạt động, dưới này một cái, trên kia 3, 4 cái. Mỗi lần trời mưa thì ở chỗ này ngập mênh mông nước hết. Cây cà phê này nhìn thì có trái đó chứ đến tháng 9 thì nước hái trước, người hái sau. Theo tôi, năm 2013 lúc đó cái lũ rất chi là lớn nhưng không bằng cái lụt như năm 2020.”

Chị Y NAO, Xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum: “Em mong muốn bên thủy điện sẽ đền bù cho tụi em. Nếu không đền bù thì không biết ăn cái gì sống, bây giờ cát nó lên thế này rồi.”

Chính quyền địa phương đã xác định có 62 hộ dân bị ảnh hưởng do việc xả lũ này. Việc chậm đền bù trong thời gian qua đã khiến cho người dân luôn bức xúc và thường xuyên khiếu nại, ý kiến tại địa phương.

Ông NGUYỄN NGỌC TRANG, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum: “Để tránh tình trạng người dân khiếu nại nhiều lần, vượt cấp thì ủy ban huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban xã Dak Long, Dak Psi phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư là công ty Đức Thành Gia Lai rà soát để sớm bồi thường cho dân. Đồng thời tổ chức đối thoại để giảm tình trạng khiếu nại.”

Qua làm việc với Sở công thương tỉnh Kon Tum thì đơn vị này cho biết nếu hai đơn vị chủ đầu tư tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm thì sở sẽ có biện pháp mạnh hơn là đề nghị ngừng huy động công suất nhà máy.

Ông LÊ NHƯ NHẤT, Giám đốc sở Công thương tỉnh Kon Tum: “Cũng tại buổi họp hôm nay thì chúng tôi cũng đã thống nhất trên tinh thần phân tích thiệt hơn và những ảnh hưởng thì Công ty Đức Thành Gia Lai phải chịu 60% và Công ty Đức Nhân 40% kinh phí đền bù do cái vận hành sai quy trình của mình. Đến 16/7 nếu mà không phối hợp được với chính quyền địa phương tính toán phương án và công khai phương án thì đơn vị nào không phối hợp thì sở Công thương sẽ tham mưu Ủy ban tỉnh đề nghị tổng công ty điện lực miền Trung tạm dừng huy động công suất để xử lý dứt điểm nội dung này.”

Hiện trách nhiệm, kinh phí bồi thường cho 62 hộ dân bị thiệt hại thuộc về Công ty Đức Nhân – Đắk Psi và Công ty Đức Thành Gia Lai. Hai đơn vị có trách nhiệm làm việc với nhau, thống nhất việc chia sẻ bồi thường. Nếu vẫn cứ đùn đẩy thì cần có biện pháp xử lý mạnh tay để đảm bảo cho người dân bị ảnh hưởng.

Duy Hòa