Cần cơ chế kiểm soát khi cơ quan dầu khí quốc gia đóng cùng lúc 2 "vai"

Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi lần này quy định một số chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí. Những điểm mới này được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vướng mắc trong thu hút đầu tư đối với ngành dầu khí hiện nay. Phóng viên Truyền hình Quốc hội (THQH) đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về nội dung này.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí gần như bị đóng băng. Điều này xuất phát từ những hạn chế của Luật Dầu khí sửa đổi năm 2008 hay việc thực thi?

Ông PHAN ĐỨC HIẾU - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư ( thu hút các dự án đầu tư mới) cũng như nâng cao hiệu quả của hoạt động dầu khí mà chúng ta đã và đang triển khai. Ngoài việc sửa đổi để giải quyết những bất cập hiện nay, chúng ta nâng cấp thêm 1 bước, hướng tới những quy định mang tính cập nhật với thông lệ quốc tế và tăng cường hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí".

Mục đích của dự thảo luật lần này là tạo môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, tận thu và không bỏ phí nguồn tài nguyên hoá thạch quốc gia. Trong dự thảo luật Dầu khí lần này, những quy định về ưu đãi trong hoạt động đầu tư dầu khí theo ông đã đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước?

Ông PHAN ĐỨC HIẾU - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:Mục tiêu và nội dung sửa đổi của Luật Dầu khí lần này là nhằm đơn giản hoá các thủ tục hành chính để hoạt động dầu khi được triển khai được nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính và chi phí thời gian. Đó cũng là cơ chế ưu đãi và giúp hoạt động thu hút đầu tư trở nên hấp dẫn hơn. Cơ chế thứ 2 là biện pháp ưu đãi trực tiếp cho các hoạt động dầu khí. Tôi nhận thấy rằng, Ban soạn thảo lần này đã nghiên cứu khá nghiêm túc và bước đầu đã đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, có tính tới việc cạnh tranh với khu vực và thế giới…".

Quy định về Hợp đồng dầu khí có ghi Chính phủ phê duyệt điều khoản điều kiện chính của hợp đồng để làm cơ sở để đàm phán và PVN ký hợp đồng dầu khí. Việc phân định rạch ròi giữa Doanh nghiệp nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có tác dụng như thế nào đối với hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí?

Ông PHAN ĐỨC HIẾU - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “ Như trong dự thảo đang lựa chọn một mô hình tương ứng với một số quốc gia trong khu vực, đó cơ quan dầu khí quốc gia đóng 2 vai trò: là doanh nghiệp và là cơ quan quản lý nhà nước. Tôi cũng mong muốn cơ quan soạn thảo nên thuyết minh, đánh giá rất kỹ lợi ích và chi phí của việc lựa chọn mô hình. Ngoài ra, cần có cơ chế kiểm soát để tránh việc xung đột lợi ích".

Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Hoàng Hương