Cần có chính sách khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp

Sáng 31/5, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ quan tâm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, để có điều chỉnh hợp lý các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ tại Nghị định số 98 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, được vinh danh là trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung. Trong thực hiện chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với trọng tâm là Nghị định số 98 năm 2018 của Chính phủ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Qua gần 5 năm thực hiện, đến nay đã có trên 2.000 chuỗi liên kết với 744 hợp tác xã, 349 doanh nghiệp trên 107.000 hộ nông dân tham gia. Các địa phương đã phê duyệt một trong 19 sản phẩm chủ lực, trong đó có 13 loại sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Ngân sách đã bố trí hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết. Nhiều thương hiệu nông sản Việt đã và đang được xây dựng, phát triển bằng nhiều đề án cụ thể thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu cá tra, thương hiệu tôm, thương hiệu cà phê...

Bên cạnh nhiều kết quả nêu, đại biểu cho rằng còn nhiều vướng mắc từ tổ chức sản xuất, về tính liên kết, tính bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp, về thị trường, về giá cả và khả năng tiêu thụ khi người nông dân đã dày công nuôi trồng, chăm bón. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có 28/63 tỉnh, thành phố phê duyệt dự án liên kết; 16/63 tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ liên kết. Số hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết và tỷ lệ hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết chưa cao. Mức độ hỗ trợ về hạ tầng phục vụ chuỗi liên kết cũng chỉ mang tính tương đối, trung bình 3,3 tỷ đồng một dự án trên định mức hỗ trợ tối đa là 10 tỷ đồng.

Từ những số liệu trên cho thấy còn nhiều dư địa đối với các chính sách hỗ trợ xác đáng và hợp lý trong khuyến khích tạo lập các chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa...

Đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, để có điều chỉnh hợp lý các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ tại Nghị định số 98 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung các chính sách đất đai, hỗ trợ hạ tầng cho các chủ thể thực hiện liên kết chế biến, thương mại, tiêu thụ sản phẩm; Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, lao động và các hợp tác xã; Chính sách hỗ trợ phòng ngừa rủi ro thiên tai, dịch bệnh thúc đẩy thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số. Ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng, bảo đảm nguồn lực thực hiện là yếu tố then chốt để việc thực thi chính sách có hiệu quả, đồng thời tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện cũng như đối tượng hưởng lợi.

Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện điều chỉnh hợp lý cho chính sách khuyến khích, hỗ trợ tại Nghị định 72 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ liên kết nêu trên, cần xác định đây là một trong những nội dung quan tâm đầu tư trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng hỗ trợ chế biến nông sản gắn với thị trường và vùng nguyên liệu, hạn chế tình trạng doanh nghiệp chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu hoặc dù muốn nhưng thực hiện khó khăn.

Tiếp tục các chính sách hỗ trợ phù hợp các tổ chức kinh tế hợp tác bảo đảm khả năng chủ trì thực hiện liên kết, đủ năng lực thực hiện kế hoạch các dự án đặt ra. Sớm hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi); cũng như dự kiến chuẩn bị các nguồn lực đồng bộ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà Luật đã thể chế, bảo đảm khi luật có hiệu lực, tạo được sức bật cho các tổ chức hợp tác như kỳ vọng khi xây dựng luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!