Cần có cơ chế đặc thù, cách làm đột phá cho 3 dự án cao tốc phía Nam

Cần phải có cơ chế đặc thù, cách làm đột phá đối với các dự án giao thông trình Quốc hội xem xét thông qua lần này, trong đó có 3 dự án cao tốc phía Nam là Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1)- Đây là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận hội trường về 3 dự án quan trọng này.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, công thức Trung ương và địa phương cùng làm, các địa phương trong khu vực chung tay, Nhà nước và tư nhân cùng sát cánh thực hiện - là hình thức để thực hiện có tính đột phá đối với các dự án giao thông lần này. Tuy nhiên, trong cách thức triển khai, cũng cần cách làm đột phá, rút kinh nghiệm từ các dự án giao thông trước đó.

Ông VŨ TIẾN LỘC - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Về chất lượng , tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, tôi đề nghị cần rút kinh nghiệm từ các dự án hiện nay, đặc biệt là dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án này hiện nay đang có vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn mà chúng ta để dưới chuẩn vì lý do tiết kiệm. Vì tiết kiệm mà chúng ta đã không có làn dừng khẩn cấp, chỉ có các điểm dừng khẩn cấp. Điều này đang gây ra những trở ngại cho việc vận hành và nguy cơ về tai nạn giao thông. Chúng ta có thể xây dựng các tuyến đường với quy mô với chiều dài tùy theo năng lực, tùy theo điều kiện nhưng các tiêu chuẩn an toàn thì không được hạ thấp".

Cần phải có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai thi công trong năm 2023, một số đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ trong việc áp dụng một số cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43 Quốc hội khóa XV.

Ông THẠCH PHƯỚC BÌNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: “Tôi đề nghị trong Nghị quyết nên chăng cần quy định rõ trách nhiệm các địa phương có đường cao tốc đi qua, yêu cầu phải giải quyết các điều kiện thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đặc biệt là áp dụng cơ chế đặc thù giống như áp dụng đối với dự án Vành đai 3, Vành đai 4 của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Về tổ chức thực hiện, bên cạnh áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết 43, tôi đề nghị nên chăng trong nghị quyết cũng quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án".

Bà NGUYỄN MINH TÂM, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: “3 dự án đường cao tốc áp dụng các chính sách đặc thù được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 43. Như vậy, thời gian thực hiện chỉ áp dụng trong 2 năm. Tôi e rằng khó có tính khả thi để hoàn thành đảm bảo tiến độ này. Đề nghị Quốc hội cân nhắc và xem xét quy định này đảm bảo phù hợp hơn.”

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Chính phủ kiến nghị 03 dự án được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Đồng thời kiến nghị trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công./.