Cần có giải pháp căn cơ để loại bỏ bạo lực gia đình

Phần lớn các nạn nhân của bạo lực gia đình hiện nay vẫn đang phải chịu đựng hàng ngày, trong khi đó, các chính sách để bảo vệ nạn nhân bị bạo hành còn nhiều điều cần phải bổ sung, hoàn thiện ngay.

Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 08/04, các đại biểu, chuyên gia kiến nghị cần tăng cường các quy chế xử phạt, răn đe các trường hợp vi phạm và xây dựng nhiều phương thức truyền thông phù hợp. 

Các đại biểu đề nghị cần sửa đổi Luật theo hướng thủ phạm bạo lực gia đình là người duy nhất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bạo lực gia đình; hạn chế sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho kết án; quy định các hành vi cụ thể của từng loại bạo lực gia đình và những biện pháp xử lý nếu không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Ông LƯƠNG SĨ NHÂN, Chánh văn phòng Hội LHTN Việt Nam TP. Hồ Chí Minh: “Bây giờ đồng chí Chủ tịch phường tiếp nhận tôi bị bạo lực gia đình thì làm sao xác định được đó là bạo lực. Khi chưa làm rõ được điều này thì nó chỉ mang ý kiến chủ quan của cơ quan tiếp nhận vụ việc đó”.

Bà TRẦN HẢI YẾN, Phó Trưởng Văn hóa – Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh: “Nhiều vấn đề cần bất cập khi chúng ta xử lý vụ việc bạo lực gia đình. Do đó tôi đề nghị cần có quy định giao cho 1 đơn vị chủ trì để phối hợp với các cơ quan đơn vị khác thì giải quyết bạo lực gia đình mới được thông suốt”.

Một số đại biểu cho rằng, việc tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình cần được phát triển rộng rãi trên các trang mạng xã hội, nền tảng số, công nghệ thông tin; người bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm phòng chống bạo lực gia đình cần bám sát thực tiễn trong cuộc sống xã hội để tuyên truyền phù hợp cho mọi đối tượng. Bên cạnh đó, dự thảo cần bổ thêm cơ chế quản lý chặt chẽ các cơ sở cộng đồng do cá nhân, tổ chức tự lập ra để giúp người bị bạo lực gia đình.

Bác sỹ PHẠM QUỐC HÙNG, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh: “Hiện nay có một số nơi đang lợi dụng lòng tốt của cộng đồng lập ra các cơ sở giả mạo, đến khi xảy ra chuyện thì có rất nhiều hậu quả nên tôi nghĩ cần phải có đảm bảo pháp lý. Địa điểm đó có tin cậy không, các nạn nhân có được bảo vệ hay không”.

Chị NGUYỄN THỊ THANH LOAN, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Hội LNPN TP. Hồ Chí Minh: "Đa số các vụ bạo lực người ra đi đều là phụ nữ, thì tôi đề nghị bổ sung thêm quyền của người bị bạo lực gia đình được lựa chọn chỗ ở là chính tại nhà của họ".

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo luật hiện chỉ mới nêu ra những biểu hiện của bạo lực gia đình nhưng chưa đề cập các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực ngay từ đầu. Hiệu quả nhất chính là tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước; đồng thời tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, tổng hợp và trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Huỳnh Tiến