Thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 4, liên quan đến vấn đề Ứng phó với biến đổi khí hậu, các đại biểu đã dẫn chứng về những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của các hiện tượng bão lũ, lụt, ngập mặn… thường xuyên xảy ra ở một số địa phương, vùng miền. Qua đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có ngay những giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ để người dân không chỉ sống chung với lũ, sống chun
Qua đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có ngay những giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ để người dân không chỉ sống chung với lũ, sống chung với ngập mặn mà thích nghi để sống chung với biến đổi khí hậu bền vững.
Ông HOÀNG ĐỨC THẮNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: "Việc lũ lụt miền Trung, sạt lở, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đã đành thì gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn. Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư rất nhiều nhưng dường như chưa đủ."
Bà VÕ THỊ MINH SINH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: "Tôi tin không chỉ riêng tôi mà tất cả chúng ta đều lo ngại mỗi khi mùa mưa bão đến, đặc biệt là những người dân ở các địa phương chúng tôi, đó không còn là cảm giác lo ngại mà là luôn lo sợ, có lẽ cụm từ "sống chung với lũ" được bắt nguồn từ các tỉnh miền Trung, khúc ruột của dải đất hình chữ S mà mỗi lần quặn đau thì trái tim của cả nước ứa máu."
Bà TÔ ÁI VANG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: "Nước ta có 4 vùng lũ lụt ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, miền núi và các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền Trung và tại đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm đối mặt với lũ lụt và triều cường. Đặc biệt, lãnh đạo các cấp, người dân thực hiện tốt chủ trương thích ứng với lũ, song tình hình lũ lụt lớn, lũ kết hợp với triều cường vẫn là vấn đề hết sức phức tạp."
Ông NGUYỄN TUẤN ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: "Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, do tác động của biến đổi khí hậu năm 2020 Việt Nam đã thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, tương đương với 3,2% GDP. Nếu không có các biện pháp giải quyết thì ước tính Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 12 đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050. cử tri mong muốn có chương trình đầu tư mang tầm quốc gia để huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu."
Giải trình trước Quốc hội Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã đến một thời điểm trở thành vấn đề hết sức gay gắt, phức tạp và là vấn đề sống còn nếu chúng ta không có những quyết định kịp thời.
Ông TRẦN HỒNG HÀ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Chúng ta đứng trước thách thức này, chắc chắn đó là quá trình chuyển đổi chung của toàn cầu, của thế giới và các chính sách kèm theo. Nếu chúng ta tận dụng cơ hội theo được xu hướng này thì sẽ chuyển đổi được nền kinh tế của chúng ta theo hướng kinh tế carbon thấp, chuyển đổi xanh và đây là một điều rất rõ ràng, mà chúng ta có tiềm năng rất lớn. Riêng năng lượng gió ngoài khơi tính toán sơ bộ thì chúng ta có hơn 600MW, như vậy gấp khoảng 5 lần nhu cầu điện hiện nay chúng ta đang sử dụng. Đây là một tiềm năng rất lớn."
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện Chính phủ đã có chỉ đạo và đã phê duyệt Đề án thực hiện COP26, bao gồm các nội dung cụ thể; Đồng thời Chính phủ cũng đã chỉ đạo đàm phán với các nước phát triển, đặc biệt là G7 để thu hút về chuyển giao công nghệ cũng như liên quan đến nguồn tài chính về biến đổi khí hậu.