Cần khắc phục triệt để việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật

Chiều 14/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp trong năm qua đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Song cả ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng như nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần làm rõ thêm nguyên nhân khi đến nay vẫn còn 11/70 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ chưa được ban hành. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi luật, nhất là đối với những luật được thông qua trong bối cảnh yêu cầu cấp bách.

Ông VŨ HỒNG THANH - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: “Trong số văn bản nợ đọng liên quan tới 1 luật sửa 9 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường, khi trình nói rất cấp bách, rất cấp thiết nhưng từ tháng 1 tới giờ nghị định hướng dẫn thì vẫn nợ chưa ban hành, nó chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách, tạo khoảng trống pháp lý".

Đề cập tới vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, cần phải làm rất rõ nguyên nhân của sự chậm trễ cũng như đưa ra giải pháp khắc phục. Bởi so với năm 2021, số văn bản cần ban hành ít hơn, nhưng số văn bản nợ đọng lại nhiều hơn, đây là điều bất thường.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ:  "Cần có phân tích đánh giá kỹ hơn..rà lại một số văn bản, luật, nghị định thông tư còn gì vướng mắc không? Ví dụ nghị định 153 phát hành trái phiếu riêng lẻ ra công chúng. Lúc đầu nói là do luật thì có đúng do Luật Chứng khoán không và vừa rồi sửa rồi đáp ứng yêu cầu không? Khi có diễn biến phức tạp của thị trường trái phiếu bàn cái này rất nhiều. Nếu đúng do luật thì các cơ quan chủ động rà soát. Nếu không phải do luật nếu do văn bản hướng dẫn thì trách nhiệm thế nào? Không thể nói chung chung được.”

Ông LÊ THÀNH LONG - Bộ trưởng Bộ Tư pháp:  “Kỳ này số lượng văn bản chi tiết ít hơn nhưng chậm nhiều hơn. Có thể có những nguyên nhân như khi lập danh mục văn bản quy định chi tiết một trong những chủ trương của Chính phủ là hạn chế, giảm số lượng văn bản.”

Bên cạnh đề nghị Chính phủ hoàn thành sớm các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan cần hết sức coi trọng công tác thể chế hoá, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, trục lợi chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật.

Quang Sỹ