Cần nguồn lực lớn để xúc tiến dự án treo 23 năm

Dự án làng đại học Đà Nẵng được quy hoạch năm 1997 với kỳ vọng là khu làng đại học lớn nhất miền Trung với diện tích khoảng 300ha thuộc địa phận 2 tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng. Nhưng 23 năm đã trôi qua, dự án vẫn bế tắc. Một trong những cái khó lớn nhất chính là nguồn vốn dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, đặc biệt là ở phía Quảng Nam.

Gia đình ông Tú là 1 trong khoảng 700 hộ nằm trong vùng dự án Làng Đại học Đà Nẵng ở phía tỉnh Quảng Nam. Khu đất rộng hơn 7.600m2 vẫn nằm im lìm trong hơn 20 năm qua. Và mẹ ông vẫn sống trong ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1960.

Ông Huỳnh Đình Tú - Phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam: “Đất dư mà, 7-8.000m lận, muốn bán 100-200m để trang trải cuộc sống cũng không được, làm những chuyện khác cũng khó. Còn muốn sửa nhà cũng không được nữa, xây nhà mới cũng khó, xây không giấy phép này kia. Khi mà đập (nhà) đi thì mình cũng phải chịu, nhà nước chỉ chịu tiền đất thôi.”

Cũng giống như gia đình ông Tú, nhiều gia đình khác ở khu vực này cũng phải sống trong cảnh tạm bợ. Một đại gia đình nhiều thế hệ, nhiều gia đình con cùng sống chung trong 1 ngôi nhà nhỏ. Quyền lợi của người dân về nhà ở và quyền sử dụng đất trong khu dự án không được đảm bảo.

Ông Huỳnh Đình Kỷ - Phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam: “Có chồng có vợ cũng ở đó, trong ngôi nhà đó đó, xây dựng là không được. Cô thấy cái nhà hồi nào giờ không? Sống cuộc sống như vậy đó. Không chỉ riêng nhà tôi mà xung quanh đây ai cũng bị như vậy hết, đều khốn khổ hết.”

Từ những bức xúc đó, ngày 15/11/2021, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với TP.Đà Nẵng. Tại đây, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án Đại học Đà Nẵng từ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025. Bởi hiện nay, phía Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng được gần 39/110ha, nhưng 190ha phía Quảng Nam vẫn chưa được thực hiện do thiếu nguồn vốn. Đại học Đà Nẵng đề nghị Quảng Nam sử dụng ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, sau đó thu hồi tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư sau, như cách mà Đà Nẵng đã thực hiện.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội: “Vừa rồi các ĐBQH cũng đề xuất rất nhiều, QH cũng giao cho CP thí điểm tách các dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư ra khỏi dự án chung, công trình quốc gia thì rõ rồi, còn hạng B, C thì đang giao cho CP thí điểm.”

Quảng Nam cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên với số lượng 700 hộ dân với diện tích 190ha, kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương khó có thể bố trí ngay được. Thậm chí, riêng hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư 181 tỷ đồng nằm trong gói 1.000 tỷ đã được Bộ Giáo dục Đào tạo phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn nhưng cũng chưa được triển khai do thay đổi pháp luật về đầu tư.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: “Chủ trương là như vậy nhưng cái nguồn lực thực hiện dự án này thì trung ương chưa đầu tư đúng mức nên khả năng thực hiện dự án này còn rất chậm. Cộng vào đó, là việc giải toả trắng, di dời người dân tái định cư đến nơi ở mới với số lượng hộ rất lớn như vậy thì rất khó khăn cho những địa phương thực hiện dự án này.”

Phía Quảng Nam mong muốn trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT phải thể hiện rõ là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra các phần việc của dự án này, ghi nhận những khó khăn và trực tiếp báo cáo, cũng như tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có sự bố trí nguồn vốn phù hợp./.