Cân nhắc kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm quyền lợi của người dân

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, sáng 22/9 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Vấn đề thu hồi đất được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Đối với vấn đề thu hồi đất, trưng dụng đất, một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan. Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.

Bà NGUYỄN THUÝ ANH - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: Dự thảo luật quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại khoản 5 Điều 70 quy định "các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý". Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng quy định như dự thảo luật còn chung chung, chưa rõ ràng, dễ dẫn đến việc thực hiện tùy nghi ở từng địa phương."

Một số đại biểu cũng cho rằng sửa đổi luật lần này cần phải hạn chế được tình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đặc biệt trong vấn đề thu hồi đất.

Ông HOÀNG THANH TÙNG - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội: “Phần lớn các khiếu kiện của người dân liên quan đến vấn đề thu hồi đất, vấn đề bồi thường và nếu chúng ta giải quyết như thế này thì tôi nghĩ rằng nó không phải 70% như hiện nay mà chúng ta tổng kết có khi lên 80% khiếu nại, tố cáo hàng năm liên quan đất đai. Đây là vấn đề tôi cho rằng phải cũng phải đánh giá rất kỹ".

Với việc mở rộng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất - lần này cần thể hiện nhằm thể chế hóa chủ trương tạo quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ, điều tiết thị trường và đáp ứng nhu cầu đất của các dự án đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần tăng thu cho ngân sách, bảo đảm hài hòa quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Diệu Huyền