Cân nhắc thận trọng quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Tiếp tục phiên họp thứ 21, chiều 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở ( sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm cho ý kiến là quy định mới về sở hữu chung cư có thời hạn. Các đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng đối với quy định này.

Báo cáo thẩm tra của Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng, quy định sở hữu chung cư có thời hạn sẽ tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản, gây nên hệ quả mất cân đối cung cầu trong lĩnh vực nhà ở, tạo xu hướng “mua đất” thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn. Ngoài ra, thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ không được xác lập cụ thể cùng với việc xác lập quyền sở hữu, gây khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận, tiềm ẩn rủi ro khi mua bán nhà chung cư. Quy định này cũng gây xung đột với Luật đất đai 2013 về quy định đất ở chung cư là ổn định lâu dài.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này sẽ có tác động rất lớn tới tâm lý của người dân ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM. Những địa phương này có quỹ đất hạn chế, số lượng dân cư tập trung tại các chung cư lớn. Ngoài ra, quy định được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề cải tạo chung cư cũ cũng chưa đúng bản chất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định quyền sở hữu chung cư có thời hạn hướng tới mục đích bảo vệ tính mạng cho người dân, vì lợi ích công cộng và không nhằm mục đích khác. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần xác định rõ quy định phải phù hợp với Hiến pháp và các quy định hiện hành về quyền sở hữu. Những quy định như ban soạn thảo đưa ra vô hình chung gây nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và thời hạn sử dụng. Đồng thời, quy định này sẽ tác động rất lớn không chỉ người dân mà ngay cả thị trường bất động sản.

Cho ý kiến thêm về vấn đề này, Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, khi cá nhân xác lập quyền sở hữu nhà ở đối với một căn hộ chung cư cụ thể thì quyền sở hữu đó được bảo vệ quyền lợi về chỗ ở và sở hữu đối với nhà ở của người mua được bảo hộ và chỉ bị giới hạn trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Quang Sỹ