Cần quy trách nhiệm đến lãnh đạo địa phương nếu để người dân khiếu kiện nhiều

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng tiến bộ, đi vào nề nếp. Trong tháng 7, tình hình công dân khiếu kiện có chiều hướng giảm so với tháng 6.

Song, trước tình trạng khiếu kiện đông người vẫn diễn biến phức tạp, công tác phối hợp xử lý đơn thư cần phải làm tốt ngay từ địa phương, đồng thời tăng cường thông tin, hướng dẫn người dân trong giải quyết các vụ việc. 

Tình hình khiếu kiện đông người diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở một số địa phương thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, tháo dỡ hàng trăm công trình xây dựng trái phép. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, khiếu kiện sẽ giảm nếu công tác hòa giải được làm tốt ở địa phương, phát huy được vai trò giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân và sự vào cuộc của hệ thống chính trị.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: "Làm sao Chủ tịch UBND các cấp phải thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân dân từ gốc, từ xã, huyện, tỉnh. Ở địa phương nào mà người dân đi khiếu kiện nhiều thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, tỉnh, huyện." 

Riêng tại Hà Nội, hiện còn khoảng 80 công dân khiếu kiện của 19 địa phương đang lưu trú trên địa bàn có nhiều hoạt động phức tạp về an ninh trật tự. Trước tình trạng khiếu kiện kéo dài mặc dù các cơ quan hành chính đã giải quyết theo hết thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, nên chăng có các hình thức thông tin với người dân, tránh tình trạng đơn thư lòng vòng.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Các cơ quan chức năng có hình thức thế nào đó, có thông báo với đương sự là đây, các cơ quan quản lý Nhà nước theo thể thức đơn hành chính là xong hết rồi, không còn gì để giải quyết được nữa, nếu tiếp tục khiếu kiện thì hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục tố tụng tại Tòa án về dân sự và hành chính, để tránh tình trạng đơn từ lòng vòng, chuyển đi chuyển lại. Kinh nghiệm ở địa phương hồi chúng tôi dưới Hà Nội cũng thế, chúng tôi nói thẳng để người dân biết, tránh tình trạng người dân cứ hy vọng." 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết thêm, thông qua giám sát về “việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” vừa qua cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân không mặn mà khởi kiện hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: "Thực ra kết quả giải quyết quy trình tố tụng cũng có nhiều vướng mắc. Thứ nhất là, mặc dù người dân thắng kiện nhưng thi hành án rất khó, họ phải quy lại hành chính. Thứ hai là khi khởi kiện hành chính, các cấp chính quyền thường không cung cấp đầy đủ số liệu, ít tham dự phiên tòa đối chất, làm rõ." 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH tiếp tục đổi mới, linh hoạt phương thức tiếp xúc, lấy ý kiến cử tri, nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp công dân, đặc biệt là việc giải quyết kiến nghị phản ánh; tăng cường giám sát các vụ việc cụ thể và đôn đốc thực hiện các vụ việc nổi cộm. 

Khắc Phục