Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hệ thống tài chính xanh

Động thái EU đánh thuế carbon với hàng nhập khẩu đang đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều thách thức trong việc chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất xanh, phát thải ít carbon.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nguồn vốn cho thị trường tài chính xanh còn nhiều dư địa, trong đó quan trọng nhất là ban hành khung pháp lý và chính sách đầy đủ để triển khai tín dụng xanh. Đây cũng là vấn đề trọng tâm được đề xuất trong nghiên cứu về triển vọng tài chính 2023 do Ngân hàng ADB và BIDV công bố.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần đến gần 69 tỷ đôla Mỹ tài chính cho các biện pháp giảm phát thải. Nhưng đến nay, dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam quy mô còn nhỏ, cuối năm 2022 chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, mới tập trung vào lĩnh vực năng lượng và giao thông. Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển tín dụng xanh như lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn mức tín dụng.

Các chuyên gia nhận định, môi trường pháp lý hiện nay đang tương đối mở với các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 ban hành quá chậm.

Giải pháp để phát triển tài chính xanh tại Việt Nam được các chuyên gia khuyến nghị đó là cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh; phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu, thị trường thứ cấp và kể cả phái sinh cho những sản phẩm xanh về lâu dài.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam