Cần tạo hành lang pháp lý cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế

Thực tế thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công việc khám chữa bệnh cho người dân.

Một trong những nguyên nhân này là do việc đấu thấu mua sắm gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt, sau những vụ sai phạm của ngành y tế, các bệnh viện có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra dẫn tới không dám đấu thầu, mua sắm.

Tại Bệnh viện Đống Đa Hà Nội, nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị đang trở nên khan hiếm. Đại diện lãnh đạo bệnh viện này cho biết, sau đại dịch Covid-19, người bệnh đến khám bệnh thông thường đông hơn dẫn tới nhu cầu sử dụng các loại thuốc bổ vitamin A, vitamin B, kháng sinh, thuốc điều trị hậu Covid, sinh phẩm, hóa chất ngày càng tăng. Trong những ngày tới, bệnh viện vẫn có thể cung ứng được theo lượng dữ trữ, tuy nhiên về lâu dài, nếu không đấu thầu để mua sắm, bổ sung nguồn thuốc thì khó có thể đáp ứng được cho công tác điều trị. 

Ông PHẠM BÁ HIỀN, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội: “Chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có những kế hoạch ra soát để phát hiện những nguy cơ thiếu từ sớm, từ xa đảm bảo cho công tác phục vụ bệnh nhân, từ đó giảm thiểu nguy cơ thiếu trang thiết bị và thuốc men.”

Tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân. Trong đó, yêu cầu của bệnh nhân làm các xét nghiệm, kỹ thuật cao như: xét nghiệm sinh hóa, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, điện tim… tới hơn 70%. Nhưng, với số trang thiết bị phục vụ chẩn đoán như hiện nay, nếu không kịp thời bổ sung thì sẽ không thể đáp ứng số lượng lớn bệnh nhân đến khám.

Kỹ thuật viên LƯƠNG MINH NGỌC, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội: “Lượng máy ở đây chưa thể đáp ứng được do bệnh nhân quá đông. Với số lượng bệnh nhân khám trong ngày lên đến hơn 2.000 thì cần phải có 5 - 6 máy.”

PGS.TS.ĐÀO HÙNG HẠNH, Trưởng Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai: “Thiết bị thiếu thốn như vậy, rất nhiều thuốc không có bởi vì đấu thầu có vấn đề. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan Nhà nước phải có chính sách nào đó để làm sao cho bệnh viện mạnh dạn trong phần mua sắm trang thiết bị, thuốc men, phục vụ cho công tác chữa bệnh.”

Một nguyên nhân khiến cho các bệnh viện thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đó là công tác xã hội hóa, liên doanh liên kết y tế. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các bệnh viện công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn. 

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, khi dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, nội dung này ngay lập tức đã được nhiều địa biểu quan tâm và cho ý kiến

Bà NGUYỄN THỊ THUỶ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: “Hiện nay, tiến trình xã hội hoá trong lĩnh vực y tế đang đặt ở nút tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn ngành gần như đóng băng, không dám triển khai. Các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám chữa bệnh. Do vậy, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh những nguyên tắc đặc thù của xã hội hoá trong lĩnh vực y tế; bổ sung cơ chế kiểm soát để ngăn chặn sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.”

Bà KHANG THỊ MÀO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: “Tôi đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ hơn hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về phương thức, hình thức, cơ chế thực hiện xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh, nhất là các hình thức liên doanh, liên kết, đóng góp trang thiết bị, nhân lực, thương hiệu giữa tổ chức, cá nhân với các cơ quan khám bệnh, chữa bệnh."

Vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy… Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua. Do đó, nhiều đại biểu đề nghị cần phải có văn bản hướng dẫn như nghị định Chính phủ cụ thể hóa Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu. 

Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này; đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang.

Tiến Dũng