Cần thiết có cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình

Sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các thành viên UBTVQH cho rằng khi công tác phát hiện, can thiệp, xử lý bạo lực gia đình vẫn còn nhiều hạn chế thì việc thành lập cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình là điều cần thiết.

Tuy nhiên cần quy định cụ thể  hơn về điều kiện thành lập, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. 

Các ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn tính chất của cơ sở công lập và ngoài công lập, ngoài ra cần bảo đảm không làm tăng số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần cân nhắc thêm trong việc thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để tránh trùng lặp, lãng phí.

Bà ĐẶNG HOÀNG OANH, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: "Chúng tôi thấy có một thiết chế cũng tương đương, cũng có chức năng gần như thế này, đó là cơ sở trợ giúp xã hội. Cơ sở trợ giúp xã hội thì hiện nay đang được quy định tại Nghị định 103 năm 2017 về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Cơ sở trợ giúp xã hội cũng có các đối tượng cần phải bảo vệ khẩn cấp là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cho nên, chúng ta cũng cân nhắc thêm trong việc thành lập này và rà soát để tránh trùng lặp, lãng phí.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với việc cần thiết phải có cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên cũng đề nghị ban soạn thảo nên sửa lại cho chính xác và bao quát hơn. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Trong này ghi "tổ chức, cá nhân…. được miễn, giảm thuế, phí vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật", có lẽ cần phải sửa lại. Tôi nghĩ nên sửa thành "được ưu đãi thuế, phí, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật". Tiếp cận đất đai hay nhiều thứ khác, nhiều thứ lắm. Còn sau, luật thuế quy định như thế nào thì đấy là của chính sách thuế. Ta nói miễn giảm ở đây không hay. Ưu đãi thì có nhiều cách, mình gọi là được ưu đãi thuế, phí, rồi vay vốn ưu đãi thì gần như không cần phải vay vốn ưu đãi nữa mà phết một cái là tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.”

Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, cần xem xét lại cách gọi cụm từ “địa chỉ tin cậy và nơi tạm lánh” bởi 2 cách gọi này gần giống nhau, nơi tạm lánh là bí mật, còn địa chỉ tin cậy lại thông báo rộng rãi.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Bởi vì khoản 1, địa chỉ tin cậy là tổ chức, cá nhân có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ người bị bạo lực gia đình. Nhưng đến khoản 3 lại ghi là UBND cấp xã có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ kinh phí cho địa chỉ tin cậy. Còn khoản 2 thì quy định UBND cấp xã lập danh sách và công bố địa chỉ tin cậy trong địa bàn quản lý, có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Như vậy nơi tạm lánh và chỗ địa chỉ tin cậy ở Điều 37 hơi mâu thuẫn."

Một số đại biểu cũng cho rằng người bị bạo lực gia đình thì hậu quả là bị sang chấn tâm lý rất nặng, cho nên trong dự án luật này cần quy định thêm tư vấn, điều trị sang chấn tâm lý đối với những đối tượng mà do bị bạo lực gia đình. 

Như Huỳnh