Điểm báo quốc tế trưa ngày 12/03: Căng thẳng Nga Ukraine khiến thị trường toàn cầu chao đảo

Căng thẳng Nga Ukraine khiến thị trường toàn cầu chao đảo; Lực lượng Nga đã tiến hành tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự ở phía Tây Ukraine bằng vũ khí chính xác tầm xa; Ấn Độ vô tình bắn một tên lửa vào nước láng giềng Pakistan trong tuần này do "trục trặc kỹ thuật"... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trưa ngày 12/03/2022.

Căng thẳng Nga Ukraine khiến thị trường toàn cầu chao đảo

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine diễn ra suốt hơn 2 tuần qua vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Giao tranh tại Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đã và đang gây ra những đứt gãy trên thị trường hàng hóa toàn cầu, nổi bật là lúa mỳ, dầu mỏ và khí đốt.

Tờ Financial Times đăng tải bài phân tích với tiêu đề “Cuộc chiến tại Ukraine châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hàng hóa”. Tác giả bài viết nhận định, Ukraine từ lâu đã được biết đến là giỏ bánh mỳ của châu Âu. Với những đồng bằng đất đen màu mỡ, Ukraine là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để trồng lúa mì. Tuy nhiên, giao tranh nổ ra vào ngay trước mùa gieo hạt, có nguy cơ khiến cuộc thảm họa nhân đạo ở Ukraine lan ra phần còn lại của thế giới. Giá lương thực thiết yếu, cũng như chi phí năng lượng, tăng vọt, làm dấy lên viễn cảnh đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.

Bài viết dẫn chứng, trong tuần qua, giá cả hàng hóa tăng gần với tốc độ nhanh nhất trong hơn nửa thế kỷ. Cụ thể, giá dầu tăng lên mức 120 USD / thùng vào thứ Năm, mức cao nhất kể từ năm 2012, trong khi giá lúa mì tăng khoảng 50%, gần chạm mức kỷ lục. 

Trong khi đó, hãng tin Reuters có bài phân tích với tiêu đề “Xung đột Nga-Ukraine phơi bày tính dễ bị tổn thương về nguồn cung lúa mì”. Bài viết dẫn nhận định về nguồn cung lúa mì của ông Dan Basse, chủ tịch công ty tư vấn AgResource có trụ sở tại Chicago rằng: “Bạn cần phải xem xét những gì có sẵn. Nếu ai đó gặp sự cố, chắc chắn không có đủ nguồn cung”. Hiện giá lúa mì đã tăng khoảng 40%, đẩy giá lương thực tăng cao, khiến lạm phát lan rộng  khắp toàn cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế vẫn đang chật vật phục hồi sau cuộc khủng hoảng covid-19. Chính điều này đã khiến việc đảm bảo an ninh lương thực trở thành vấn đề ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Hiện nhiều quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi, như Ai Cập, A Rập Xê-út, đã phải đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng nguồn dữ trự lúa mì như thúc đẩy sản xuất trong nước và tìm kiếm nguồn cung cấp mới. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, việc cân bằng là rất khó, khi xung đột Nga-ukraine kéo dài, trong khi Nga và Ukraine cộng lại chiếm tới gần 1/3 xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn thế giới.

Lực lượng Nga đã tiến hành tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự ở phía Tây Ukraine bằng vũ khí chính xác tầm xa

Theo thông tin mới nhất từ các trang báo quốc tế, lực lượng Nga đã tiến hành tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự ở phía Tây Ukraine bằng vũ khí chính xác tầm xa.
Theo tờ Time, Nga đã tiến hành các cuộc không kích gần các sân bay ở phía tây Ukraine, trong bối cảnh Mát-cơ-va mở rộng các cuộc tấn công quân sự nhằm gây áp lực lên thủ đô Ki-ép và thành phố cảng Mariupol (ma-ri-u-pôn). 
Time dẫn lời giới chức địa phương cho biết, các cuộc không kích vào sân bay quân sự Lutsk đã khiến 2 quân nhân Ukraine thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Ấn Độ vô tình bắn một tên lửa vào nước láng giềng Pakistan trong tuần này do "trục trặc kỹ thuật"

Ấn Độ cho biết, nước này đã vô tình bắn một tên lửa vào nước láng giềng Pakistan trong tuần này do "trục trặc kỹ thuật" trong quá trình bảo dưỡng định kỳ. 
Hãng tin Al Jazeera dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, “vào ngày 9/3/2022, trong quá trình bảo dưỡng định kỳ đã xảy ra trục trặc kỹ thuật dẫn đến việc bắn nhầm một tên lửa. Được biết, tên lửa này đã rơi xuống một khu vực của Pakistan. Mặc dù vụ việc xảy ra là điều rất đáng tiếc, song cũng may mắn là không có người nào bị thương vong”.

Facebook và Google bị điều tra chống độc quyền

Cơ quan chống độc quyền Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào thỏa thuận về dịch vụ quảng cáo trực tuyến giữa Facebook và Google để xem có vi phạm các quy định cạnh tranh hay không.
Theo Channel News Asia, cuộc điều tra của EU sẽ tập trung vào thỏa thuận Jedi Blue giữa Facebook và Google. EU cho rằng thỏa thuận này có thể đang cản trở và hạn chế khả năng cạnh tranh của các đối thủ quảng cáo công nghệ khác, qua đó có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Cơ quan chống độc quyền của Anh cũng đang điều tra thỏa thuận này. Do đó, EU và các đối tác Anh sẽ hợp tác chặt chẽ trong cuộc điều tra. 

Tờ Channel News Asia cho biết, Google đã bị EU phạt hơn 8 tỷ euro (8,8 tỷ đô la) tiền phạt chống độc quyền trong thập kỷ qua, trong khi Facebook có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu do vi phạm các quy tắc của khối này.

Hàn Quốc: Cháy rừng thiêu trụi gần 24.000 ha rừng

Tờ Korea Times đưa tin, các đám cháy rừng xảy ra ở vùng núi ven biển phía Đông Hàn Quốc trong suốt 1 tuần qua, đã thiêu trụi gần 24.000 ha rừng. Theo ước tính, thiệt hại từ đợt cháy rừng lần này sẽ ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Đám cháy bắt đầu xảy ra tại thị trấn ven biển Uljin (un-chin), cách thủ đô Seoul khoảng 330 km về phía Đông Nam, đã lan rộng sang các khu vực lân cận. Đến nay, tổng cộng 23.993 ha rừng đã bị thiêu rụi, lớn hơn so với diện tích đất rừng bị cháy được ghi nhận tại Hàn Quốc hồi năm 2000. 

Theo ước tính, các khu rừng bị cháy có tổng diện tích tương đương với 33.604 sân bóng đá. Hiện chưa có báo cáo về con số thương vong, nhưng có hơn 640 cơ sở, trong đó có 358 ngôi nhà đã bị hư hại. Khoảng 390 người thuộc 252 hộ gia đình đã phải di dời.

Phát hiện một biến thể lai giữa hai biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2

Các nhà khoa học vừa phát hiện một biến thể lai giữa hai biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đồng thời cảnh báo không nên xem nhẹ biến thể này. 

Tờ Independent dẫn báo cáo của các nhà khoa học Anh cho biết, biến thể lai này được gọi là Deltacron, được cho là có nguồn gốc từ Pháp. Tuy nhiên, giới khoa học chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể lai này. Theo nghiên cứu, “xương sống” của biến thể Deltacron có nguồn gốc từ Delta, nhưng protein tăng đột biến của nó, cho phép virus xâm nhập vào tế bào người, lại bắt nguồn từ Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ “theo dõi và thảo luận” sau khi nghiên cứu kỹ về biến thể này./.

Đinh Giang