Cảnh báo nguy cơ suy thoái tại Châu Âu do cuộc xung đột Nga - Ukraine

Theo các nhà kinh tế, Châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan và lo ngại nguồn cung năng lượng. Các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực đồng euro trong những tuần gần đây.

Khu vực đồng euro phải đối mặt với những cú sốc kinh tế đồng thời từ cuộc xung đột ở Ukraine. Giá thực phẩm, năng lượng tăng cao do cuộc xung đột này đã làm dấy lên những lo ngại về lạm phát kèm suy thoái. Các nhà phân tích nhận định rằng, một cuộc suy thoái lớn đang trong quá trình hình thành. Niềm tin của người tiêu dùng Đức dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp lịch sử vào tháng 5 dẫn đến chi phí tăng cao cho các hộ gia đình và làm giảm hy vọng về một sự phục hồi sau đại dịch. 

Ông ROLF BUERKL - chuyên gia của Công ty nghiên cứu thị trường GfK: "Một điểm rất quyết định đối với tâm trạng ảm đạm của người tiêu dùng là lạm phát hiện nay chủ yếu do giá năng lượng thúc đẩy. Chúng ta đã chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ đối với dầu sưởi, khí đốt và xăng dầu những tuần gần đây. Lạm phát ở Đức hiện đang ở mức hơn 7%. Đó là mức cao nhất mà chúng tôi từng thấy trong 40 năm. Điều đó làm giảm sức mua. Và điều này đặc biệt rõ ràng trong kỳ vọng thu nhập đã giảm xuống mức được ghi nhận lần gần đây nhất vào năm 2003, cách đây gần 20 năm."

Ông FETI ULUC - Chủ cửa hàng Potato-Otto: "Với các sản phẩm trong khu vực, chúng tôi chưa cảm nhận được điều đó, mọi thứ vẫn bình thường, nhưng đối với hàng hóa đến từ nước ngoài, chúng thực sự khá đắt. Đắt hơn gần 20-25%. Giờ đây, trong một số trường hợp, chúng tôi phải tăng giá. "

Lạm phát trong khu vực đồng euro đạt mức cao kỷ lục 7,5% trong tháng 3. Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn ôn hòa hơn so với các ngân hàng trung ương khác. Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đều đã bắt đầu tăng lãi suất để nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, ECB hiện dự kiến sẽ kết thúc chương trình mua tài sản ròng vào quý thứ ba, sau đó sẽ có khả năng bắt đầu thắt chặt tiền tệ, tùy thuộc vào triển vọng kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc phong tỏa ngày càng nhiều khu vực và chi tiêu tiêu dùng thận trọng do giá năng lượng và thực phẩm cao có thể dễ dàng gây ra tình trạng GDP của khu vực đồng euro giảm sút tạm thời trong quý II/2022. Một lệnh cấm vận ngay lập tức đối với khí đốt Nga (dù rất khó xảy ra) có thể biến điều đó thành cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn. Dự báo lạm phát sẽ tăng và cuối cùng sẽ tác động lên kinh tế vĩ mô, đẩy kinh tế rơi vào suy thoái.

Vân Hương