• 1039 lượt xem
  • 23:34 13/05/2022
  • Kinh tế

Chuyên gia cảnh báo lạm phát năm 2022 có thể đạt 4,2%

Bên cạnh những dự báo lạc quan, rất cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động tạo ra nhiều thay đổi về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ bức tranh dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022-2023, một số đại biểu nhận định, kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm 2022 đã có sự khởi sắc và lạm phát 4 tháng đầu năm 2022 trong tầm kiểm soát là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với sự phục hồi kinh tế Việt Nam diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro khi triển vọng tăng trưởng đang chậm lại và tốc độ lạm phát có phần gia tăng với hàng loạt giá cả nhiên vật liệu, thực phẩm tăng.

TS. NGUYỄN BÍCH LÂM - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:Giá xăng dầu tăng 10% thì lạm phát tăng bình quân 0,36 điểm phần trăm và làm tăng trưởng giảm 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra còn nhiều loại nhiên liệu khác nữa cũng tăng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá phân bón, thức ăn gia súc tăng cao làm giá thành các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp tăng. Trong khi đó, thực phẩm chiếm 24%. Khi giá các loại thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, tăng cao thì lạm phát gia tăng lớn nên lạm phát trong năm 2022 rất lớn”. 

Ông CẤN VĂN LỰC - Chuyên gia kinh tế: Chúng ta có độ trễ và độ mở của chính sách nhiều hơn trong năm ngoái và năm nay nên lạm phát năm nay đẩy lên ở mức tương đối cao, dự báo khoảng 3,8 đến 4,2% và đương nhiên khi giá xăng dầu, nguyên vật liệu cao sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp và người dân, do vậy biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp. Doanh nghiệp cần phải chú trọng tới việc cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đa dạng hoá nguồn cung và thị trường để phân tán, giảm bớt rủi ro".

Bên cạnh đó, còn các rủi ro khác như việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu DN trong nước. Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023, nhưng lạm phát dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn. Do vậy, theo các đại biểu, chính sách tài khóa của Việt Nam nên đi đầu trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Đồng thời, Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính.

Thế Anh