• 1245 lượt xem
  • 08:01 09/02/2023
  • Xã hội

Câu chuyện hôm nay: Góc nhìn từ thực địa cho bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có 173 khu bảo tồn thiên nhiên. Cùng với đó là 9 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế; 10 khu bảo tồn biển; 9 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trước những khó khăn về nguồn nhân lực và tài chính, để bảo tồn đa dạng sinh học phát triển bền vững các hệ sinh thái này cần phải có những giải pháp cụ thể và lâu dài.

Bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định điều này trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 ban hành đầu năm nay. Thực tế, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến tất cả các hệ sinh thái, làm suy thoái đa dạng sinh học. Song, nếu biết bảo vệ những cánh rừng, gìn giữ môi trường sống cho các loài động thực vật, bảo tồn các nguồn gen quý thì các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ bị đẩy lùi đáng kể. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này không đơn giản, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Để tháo gỡ những thách thức này, không còn cách nào khác là chúng ta phải chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức trong ứng xử với thiên nhiên. Bởi dù áp dụng giải pháp nào thì con người vẫn là một mảnh ghép quan trọng trong những giải pháp ấy. Công ước đa dạng sinh học cũng nhấn mạnh con người là một phần của thiên nhiên, chứ không thể tách rời thiên nhiên.

Cùng với giải pháp mang tính toàn cầu, theo các nhà khoa học để có thể bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả, Việt Nam cần phải tập trung vào các giải pháp như: tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học, nâng cao năng lực và phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học các cấp. Bên cạnh đó, cần lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất. Đặc biệt các khu bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh.