Câu chuyện hôm nay: Giáo dục và Đào tạo Đông Nam Bộ - Cơ hội và thách thức

Không phải là vùng có nhiều lợi thế khi triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, song Đông Nam Bộ lại là vùng tiếp cận nhanh với quá trình đổi mới bởi nền tảng của giáo dục hội nhập và tư duy thích ứng của những người làm quản lý giáo dục, của giáo viên, học sinh.

Nhắc đến Đông Nam Bộ là nhắc tới một vùng tăng trưởng “nóng”, sự tăng trưởng “nóng” thể hiện rõ nét ở hệ thống giáo dục và đào tạo. Năm học 2020-2021, tổng số trẻ em, học sinh toàn vùng là trên 3,6 triệu, tăng hơn 1 triệu so với cách đây 10 năm. Đây là vùng có tỷ lệ trẻ em, học sinh tăng nhanh nhất cả nước. Dù đã có nhiều giải pháp về phát triển hệ thống trường lớp, huy động trẻ đến trường, song với tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo của Đông Nam Bộ hiện vẫn thấp hơn so với bình quân cả nước, đứng thứ năm trong sáu vùng, chỉ cao hơn Đồng bằng sông Cửu Long.

Đông Nam Bộ là khu vực bao gồm cả những nấc thang cao nhất của giáo dục, cả những phần thấp nhất của giáo dục, là khu vực mà vẫn còn tỉ lệ người mù chữ, vẫn còn lớp học tình thương dành cho con em người lao động không có chỗ học. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu vùng cần làm tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gốc của chất lượng nhân lực không đâu khác phải bắt đầu từ bậc phổ thông cho tốt. Nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ phải được khu vực đặt thành hướng ưu tiên trọng tâm. Trong đó, khu vực phải tập trung phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, kỹ thuật, khoa học, đổi mới, sáng tạo, quản trị, điều hành…Cần có những thay đổi mang tính đột phá, để giáo dục và đào tạo đạt được những kỳ vọng trong tương lại.

Thực hiện : Phan Hằng Đỗ Minh Hồng Dũng