• 1284 lượt xem
  • 17:50 28/03/2023
  • Xã hội

Câu chuyện hôm nay: Hạn chế túi nilon, đồ nhựa khó phân hủy - Đánh thuế liệu đã đủ?

Theo khảo sát, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Các sản phẩm nhựa dùng một lần với ưu điểm bền, tiện dụng, giá thành rẻ đã và đang được sử dụng hầu như ở mọi lúc, mọi nơi. Bao lâu nay, tại các khu chợ dân sinh, người bán thường có “nghĩa vụ” nghiễm nhiên phải chuẩn bị túi nilon để đựng các sản phẩm bán cho người tiêu dùng.

 

Các sản phẩm nhựa dùng một lần đôi khi chỉ dùng vài phút rồi vứt bỏ. Đáng nói, phần lớn các sản phẩm nhựa dùng 1 lần lại là các sản phẩm được tái chế từ nhựa thải bỏ. Không ai biết chúng có phải từ bãi rác quay trở lại phục vụ cuộc sống con người hay không? Thế nhưng, tại nhiều nơi, các cốc nhựa, túi nilon vẫn được dùng để đựng những thực phẩm chiên, rán còn nóng hay cháo cả canh, dinh dưỡng cho trẻ em… Với đặc tính lâu phân huỷ thì tác hại của nhựa 1 lần là vô cùng lớn, không chỉ với sức khoẻ con người mà còn với môi trường, hệ sinh thái.

 

Chỉ riêng tại hai thành phố lớn là TP.Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Lượng rác thải nhựa thải ra môi trường rất lớn nhưng gần 1/3 rác thải nilon mỗi ngày không được thu gom, xử lý. Hậu quả là chúng có mặt ở khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Việt Nam hiện đang nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.

 

Nhận thức được tác hại của túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần, thời gian qua, Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế việc sử dụng túi nilon. Thể hiện ở việc chúng ta đã đưa túi nilon khó phân huỷ vào danh mục sản phẩm chịu thuế bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mức thuế này còn được điều chỉnh tăng từ 40.000 lên 50.000 đồng/kg từ 1/1/2019 là mức kịch khung theo Luật Thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giá túi nilon hiện nay ở các khu chợ dân sinh chỉ giao động từ 30-40.000/kg. Rõ ràng, nếu chịu thuế đúng như quy định, 1kg túi nilon có giá tại nơi sản xuất là 20.000 đồng phải bán ra ít nhất là 70.000 đồng. Thế nhưng, chính sách thuế này vẫn có vẻ "bất lực" khi giá bán nhiều loại túi nilon còn thấp hơn mức thuế đánh vào nó.

 

Theo một thống kê sơ bộ về chính sách thuế ở hơn 50 quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 27 nước đánh thuế vào việc sản xuất, còn khoảng 30 nước đánh thuế vào việc tiêu thụ. Cụ thể, nếu một người trả tiền mua túi nilon ở siêu thị thì khoản tiền này đã bao gồm thuế túi nilon. Như vậy, các chuyên gia chỉ ra, nếu đánh thuế vào việc tiêu thụ ngay lập tức sẽ điều chỉnh hành vi người dùng, góp phần giảm lượng tiêu thụ sản phẩm này. Chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải nghiên cứu, chọn đối tượng nào để đánh thuế phù hợp, hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu túi nilông. Có thể đánh thuế vào người tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn đánh thuế vào người sản xuất như kinh nghiệm quốc tế.

 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hiền Trang