Câu chuyện hôm nay: Làm gì để đưa trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công nghệ lõi của Việt Nam?

Với tầm bao phủ toàn cầu, cuộc Cách mạng 4.0 được coi là bước ngoặt thay đổi toàn bộ đời sống xã hội cũng như hoạt động kinh tế sang môi trường số hóa với vô số công nghệ đột phá. Trong đó, A.I được xem là công nghệ cốt lõi và không thể thiếu với các quốc gia. Vì vậy, đặt mục tiêu chuyển đổi thành một Quốc gia số, Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua việc phát triển trí tuệ nhân tạo.

Nhận thấy tầm quan trọng của AI, ngay từ đầu 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Trong đó xác định phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, đến năm 2025, AI sẽ được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân. Cùng với đó, AI được xác định là công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đến năm 2030, Việt Nam có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Hiện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, công nghệ AI ngày càng phát triển thì yêu cầu về nguồn nhân lực và dữ liệu lớn đang là bài toán đặt ra với Việt Nam. Vì vậy đi tìm lời giải cho bài toán này là giải pháp để đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ lõi ứng dụng trong mọi ngành,lĩnh vực, đưa Việt Nam bắt kịp với tiến trình cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đào Hải Yến