Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ đóng vai trò trung tâm, là điểm kết nối, hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc của 21 dân tộc. Nhiều năm trở lại đây, địa phương đã khai thác lợi thế về văn hóa để phát triển du lịch, bước đầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch cộng đồng mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái.
Ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dù địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng thiếu thốn, tuy nhiên, bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo là điểm nổi bật ở nơi đây. Đó cũng là cơ hội, là thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa. Và không chỉ có người Thái ở Tây Bắc, ở các địa bàn khác của vùng Đồng Bắc như huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nơi có hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cũng là nơi mà bản sắc văn hóa còn thấm đẫm trong từng không gian, trong nhiều sinh hoạt của đồng bào.
Với 21 di tích lịch sử trong đó có 05 di tích lịch sử cấp quốc gia, 06 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Hát Páo Dung của người Dao, hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình và Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay, Lễ hội Đền Đuổm, múa Khèn của người Mông, đều là những di sản văn hóa tiêu biểu mang đặc trưng của cộng đồng người Phú Lương. Những di tích lịch sử, di sản văn hóa đã góp phần bồi đắp thêm bản sắc của vùng đất, góp phần thu hút du khách đến với mảnh đất này để khám phá vẻ đẹp, chiều sâu lịch sử và văn hóa cùng con người nơi đây.
Trong phát triển du lịch cộng đồng, các giá trị văn hóa bản địa khi được khơi gợi và lan toả, có thể chuyển hoá thành nguồn lợi hữu hình. Bởi du lịch cộng đồng giàu tính trải nghiệm, ngoài cảm nhận về cảnh quan thiên nhiên, đời sống nông thôn, đặc trưng ẩm thực còn là cơ hội để du khách tìm hiểu sự đa dạng, phong phú về văn hoá, với những điểm nhấn riêng biệt. Và điều đó đã góp phần phát triển kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn; xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Bởi khi một cơ sở du lịch hoạt động tốt sẽ mở ra nhu cầu phục vụ du khách từ ăn uống cho đến các món quà lưu niệm.
Các hộ gia đình từ đây cùng tham gia trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp thực phẩm, sản phẩm thủ công. Những làng nghề được khôi phục, những sản phẩm OCOP từ làng xã, thôn bản được giới thiệu đi khắp nơi. Bà con cùng nhau sáng tạo nên các sản phẩm đậm nét văn hoá dân gian, tự hào giới thiệu cho du khách vẻ đẹp của dân tộc mình. Cũng nhờ san sẻ lợi ích, cộng đồng sẽ đoàn kết hơn, gắn bó hơn, tư duy hợp tác được hình thành để hướng tới những mục tiêu lớn hơn, đó là giảm nghèo bền vững.