• 6737 lượt xem
  • 23:08 31/05/2022
  • Văn hóa

Câu chuyện hôm nay: Sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính, địa phương đề xuất tiêu chí đặc thù

Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đề ra mục tiêu năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn: diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Từ năm 2022 - 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để tiến hành rà soát, sắp xếp những đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 47 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Để xem xét, đánh giá toàn diện kết quả sau hơn 2 năm tổ chức thực hiện các nghị quyết, Quốc hội đã thống nhất giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”. Từ thực tiễn triển khai, có đơn vị làm rất tốt việc sáp nhập, tuy nhiên cũng có những đơn bắt buộc phải sắp xếp vì chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, có những yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hoá, truyền thống mong muốn được giữ nguyên hiện trạng để có định hướng phát triển phù hợp.

ĐỀ XUẤT CÁC TIÊU CHÍ ĐẶC THÙ CHO SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CÓ YẾU TỐ LỊCH SỬ VĂN HOÁ

Thị xã Quảng Trị là miền đất linh thiêng, biểu tượng cho ý chí kiên cường bất khuất của quân và dân ta trong những ngày tháng chiến tranh khốc liệt, nơi từng giữ vị trí trọng yếu trong thế địa chính trị của đất nước, chứng kiến những cuộc chiến đối đầu và đổi thay của lịch sử. Hai chữ “Quảng Trị” không còn là địa danh của một địa phương mà đã trở thành biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam. 

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, thị xã Quảng Trị bây giờ đã thay da đổi thịt. Mặc dù hình hài của thị xã Quảng Trị vẫn còn nhỏ bé, nhưng hai người cựu chiến binh này nói riêng cũng như người con của thị xã Quảng trị nói chung vẫn đang hàng ngày hàng giờ góp sức tái thiết quê hương, hồi sinh mảnh đất chứa nhiều bom mìn và cả xương máu của các anh hùng liệt sỹ còn nằm lại nơi đây. Họ mong muốn được giữ nguyên đơn vị hành chính thị xã Quảng Trị để thực hiện mục tiêu sớm xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành thành phố vì Hoà bình trong tương lai gần. 

Ông HOÀNG NGỌC ÁNH - hội viên Hội Cựu chiến binh thị xã Quảng Trị: Thị xã Quảng Trị là nơi có hơn 200 năm, đây là một nơi có truyền thống cách mạng. Thứ hai, nơi đây - phía Nam là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Thứ ba, thị xã Quảng Trị là nơi có Thành cổ Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu để bảo vệ Thành cổ. Điều lo ngại nhất của người dân đối với thị xã là lị sở đã có từ lâu và tâm thức của người dân là luôn mang tên của thị xã Quảng Trị để không chỉ trong tỉnh, trong nước mà ghi vào lịch sử thế giới nên mong muốn của người dân là giữ lại thị xã Quảng Trị”.

Ông TRƯƠNG KIM QUY - hội viên Hội Cựu chiến binh thị xã Quảng Trị: Khi đất nước được thống nhất, thị xã Quảng Trị trở về lại tên tuổi của mình là một thị xã mang tầm quốc tế, mang tính lịch sử rất sâu, cả nước không ai không biết đến thị xã Quảng Trị đã có 81 ngày đêm là một thị xã anh hùng rực rỡ chiến công và cả nước khi nghe đến thị xã Quảng Trị là người ta có tấm lòng rất trân trọng. 

Thị xã Quảng Trị đang từng bước xây dựng đổi mới đi lên, người dân ở đây mơ ước trở thành một thị xã hòa bình, một thị xã đầm ấm yêu thương. Mọi người dân chúng tôi không muốn điều đó, muốn thị xã Quảng Trị vẫn giữ nguyên là một thị xã Quảng Trị đối với tình cảm của cả nước với tình cảm của quốc tế , nhiều nước trên thế giới đều biết đến thị xã Quảng Trị, nếu sáp nhập để mất đi thị xã Quảng Trị đó là điều xót xa, tiếc nuối của người dân thị xã Quảng Trị”.

Theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của UBND tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2019-2021 đã trình Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị hành chính thị xã Quảng Trị và đơn vị hành chính phường An Đôn thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 -2021 do có hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số chưa đạt tới 50% (diện tích tự nhiên chỉ đạt 36,1%, dân số chỉ đạt gần 25%) so với tiêu chuẩn Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. 

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh các tiêu chí về diện tích và dân số trong Nghị quyết 1211 đối với đơn vị hành chính có truyền thống lịch sử văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư để các đơn vị hành chính đó giữ gìn và phát huy lịch sử, truyền thống và văn hoá của địa phương. 

Ông HÀ SỸ ĐỒNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị: Khát vọng của người Quảng Trị muốn giữ lại di tích đặc biệt quốc gia này để xây dựng một thành phố hoà bình, để tri ân, tuưởng nhớ những người con của cả nước đã hy sinh trên mảnh đất này, do đó nên để lại. Còn nói về tiêu chí diện tích và dân số thì rõ ràng không đáp ứng được rồi, nhưng cả nước vì Quảng Trị, Quảng Trị vì cả nước cho nên đề nghị để lại."

Ông NGÔ QUANG CHIẾN - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị: Nên thêm một tiêu chí nữa là tiêu chí có tính chất đặc thù, nó liên quan đến truyền thống lịch sử, văn hoá, để trong thực tiễn cũng dễ thực hiện hơn”.

Không chỉ thị xã Quảng Trị, báo cáo với đoàn Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc chưa thực hiện sắp xếp thị xã Hồng Lĩnh với đơn vị hành chính cấp huyện khác trong giai đoạn 2019 – 2021, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc chưa thực hiện sắp xếp này là do thị xã Hồng Lĩnh có vị trí quan trọng trên tuyến hành lang Đông Tây, được xác định là trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh, là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. 

Chia sẻ với những khó khăn của địa phương, song thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh làm rõ lộ trình sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo để mở rộng không gian phát triển cho thị xã Hồng Lĩnh. 

Ông TÔ VĂN TÁM - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: Thị xã Hồng Lĩnh có diện tích nhỏ, cần có không gian phát triển. Các đồng chí điều chỉnh địa giới hành chính sẽ cắt bớt của các huyện. Chúng ta điều chỉnh có làm thiếu hụt tiêu chí của các đơn vị khác không? Các đồng chí cần phân tích làm rõ”.

Ông ĐẶNG NGỌC SƠN - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Hồng Lĩnh tách ra hay nhập vào - câu chuyện này chúng tôi bàn rất kỹ là không thể làm được. Cần nhắc đưa Hồng Lĩnh ra Nghi Xuân, cái này thì có thể thực hiện. Trung ương đánh giá cụ thể giai đoạn 1 để điều chỉnh tiêu chí giai đoạn 2, nhưng dù tiêu chí gì thì cũng phải căn cứ vào thực tiễn ở địa phương, phải có 1 khoản để bắt buộc theo tiêu chí nhưng ở địa phương cũng phải có”.

SẮP XẾP, SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TẠO KHÔNG GIAN CHO PHÁT TRIỂN

Hạ Long là đô thị loại I, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục của tỉnh Quảng Ninh, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc. Với nhiều lợi thế, tiềm năng, thành phố này đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược với các dự án lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, quỹ đất của thành phố ngày càng hạn hẹp, việc thu hút các nhà đầu tư và triển khai các kế hoạch phát triển mới sẽ khó có đột phá bởi Hạ Long được xác định không còn dư địa về không gian cho phát triển. 

Do vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết về việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long không chỉ giải quyết "điểm nghẽn" về không gian phát triển cho Hạ Long, là động lực quan trọng để xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước mà còn mở ra không gian phát triển mới cho thành phố, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ. 

Ông NGUYỄN HỒNG QUÂN - thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh: "Chất lượng, kết quả giải quyết, thời gian giải quyết nhanh gọn hơn và đặc biệt là thái độ khi tiếp đón và giải quyết rất là kịp thời. Tôi rất hài lòng với kết quả giải quyết thủ tục hành chính của bộ phận 1 cửa của UBND thị trấn hiện nay".

Ông PHẠM NHI - xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: “Đây là một vận hội lớn, không nghĩ nhanh vậy, mình là huyện miền núi nhưng khi sáp nhập trở thành thành phố, mà thành phố có tiêu chí của thành phố, sự đầu tư phát triển nhiều hơn, chăm sóc đời sống văn hoá vật chất có hơn”.

Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long đã hình thành một đô thị lớn, độc đáo; mở ra không gian phát triển mới rộng lớn với tầm nhìn dài hạn. Sau khi sắp xếp, Hạ Long đã giảm 44 đầu mối cơ quan, đơn vị, tinh giản được 142 nhân sự. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 15,6%, giảm 501 hộ nghèo và cận nghèo; mục tiêu năm 2022 không còn hộ cận nghèo.

Tại buổi khảo sát mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao bài học kinh nghiệm “sắp xếp đơn vị hành chính không phải chỉ để giảm bộ máy, tinh gọn biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức mà còn có ý nghĩa lớn hơn, đó là thiết kế lại và tạo lập không gian phát triển mới cho địa phương” của tỉnh Quảng Ninh. Kết quả thấy được là sau khi sáp nhập, thành phố Hạ Long đã phát triển lên tầm cao mới, bền vững, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Các đồng chí có sự chuẩn bị sớm, trong đó công tác quy hoạch đi trước 1 bước. Công tác đầu tư công cũng giảm số lượng các dự án để tập trung vào các dự án đầu tư lớn, có tính kết nối liên vùng đặc biệt là nối Hạ Long với Hoành Bồ từ sớm. Đến khi có nghị quyết là các đồng chí triển khai được ngay và ý rất quan trọng là sau khi có nghị quyết 6 tháng tạo chuyển biến có được niềm tin của dân. Cái này là bài học chúng tôi sẽ ghi vào báo cáo”. 

Thị xã Quảng Trị, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hạ Long là 3 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp sáp nhập theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 653 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn qua hơn 2 năm triển khai thi hành nghị quyết, cuộc sống của người dân thành phố Hạ Long mới đã có nhiều chuyển biến rõ rệt: năm 2021 thành phố Hạ Long không có hộ nghèo, năm 2022 thành phố đang phấn đấu không còn hộ cận nghèo, quyết định mang ý nghĩa “mở đất, mở đường”... đã góp thu hút nhiều nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP Hạ Long. Thành công khi sáp nhập huyện Hoành bồ vào thành phố Hạ Long sẽ là bài học kinh nghiệm, là hình mẫu cho các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp do không đạt tiêu chí và diện tích trong thời gian tới. 

Sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả hiệu lực của công tác quản lý nhà nước mà còn trên tinh thần thận trọng, có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, việc chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị vẫn mong muốn giữ nguyên đơn vị hành chính thị xã Quảng Trị làm cho mảnh đất này từng là nhân chứng bi tráng của lịch sử ngày càng đẹp hơn, giàu hơn, bình yên hơn cũng là mong muốn nguyện vọng chính đáng. 

Kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021sẽ là cơ sở cho việc đề xuất các kiến nghị, lộ trình tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030; thực tiễn địa phương cũng là căn cứ để đoàn giám sát kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và việc sắp xếp đơn vị hành chính cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.

Phan Hằng