Ngành công nghiệp văn hóa ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, dễ mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển vì phù hợp với xu thế của thời đại.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Trong Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, và từ đó, ngành công nghiệp văn hóa ngày càng góp phần quan trọng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ văn hóa.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Ngành công nghiệp văn hóa sẽ giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vì: thứ nhất, đây là lĩnh vực, hướng phát triển tích cực, phù hợp với xu thế thời đại, là động lực góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo giá trị gia tăng, hiệu quả ngày càng cao cho nền kinh tế; thứ hai, là công cụ bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa cả về thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở; giúp chúng ta chủ động cho hội nhập quốc tế, giao thoa với văn hóa khu vực và thế giới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại sự “xâm lăng mềm” về văn hóa. Do vậy, việc nắm bắt thời cơ, thuận lợi hiện nay, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.