Câu chuyện hôm nay: Xây dựng thị trường carbon - Một hướng đi nhiều lợi ích

Để đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đối mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc. Không còn cách nào khác, Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó có xây dựng và vận hành thị trường carbon.

Thị trường carbon hay còn gọi là định giá carbon được xem là công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Cụ thể, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn buộc phải trả tiền để mua thêm “quyền được phát thải” và ngược lại, những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có mức phát thải thấp hoặc có khả năng lưu trữ, thu hồi khí thải sẽ nhận được thêm nguồn lợi tài chính. Trên thế giới, hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng các công cụ định định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn.  Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2 và tại EU được định giá là 76USD/ 1 tín chỉ; còn tại Mỹ là 30USD/tín chỉ. Với cách tính này, theo thống kê nguồn thu năm 2020 từ việc mua bán tín chỉ carbon tại những quốc gia và vùng lãnh thổ này này đã lên khoảng 50 tỉ USD, đặc biệt đã quản lý được khoảng 13 tỉ tấn CO2, tương đương khoảng 23% tổng phát thải toàn cầu.

Coi thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường. Đây cũng là cách tiếp cận mới của Việt Nam và được thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022. Nhằm triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó có lộ trình xây dựng thị trường carbon. Theo lộ trình này, đến năm 2028, Việt Nam sẽ có thị trường tín chỉ carbon trong nước.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

 

Kim Thanh