Câu chuyện "không nghe được Quốc ca trong trận đấu bóng đá của tuyển Việt Nam" được đưa lên nghị trường Quốc hội

Chắc hẳn các khán giả chưa quên việc lần đầu tiên lịch sử bóng đá Việt Nam, khán giả xem tường thuật trận đấu trên các nền tảng xã hội không được xem các cầu thủ hát Quốc ca vì bản quyền. Đó là trận bóng Đội tuyển Quốc gia Việt Nam khuôn khổ vòng bảng AFF Suzuki cup 2020. Trước tranh cãi bản quyền của Quốc ca, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã được thảo luận.

Có lẽ đây là hình ảnh ít ai trong chúng ta muốn nhìn lại Dòng chữ “Vì lý do bản quyền chúng tôi buộc phải ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường” 

Ông NGUYỄN VĂN CHIẾN - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đoàn luật sư Hà Nội: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khi những gì mang màu sắc quốc gia lại không được cử quốc ca. Cử nhạc quốc ca thể hiện tự hào dân tộc và khi xem đều xúc động. Đây phải xác định là sở hữu của Nhà nước và của 90 triệu dân và họ phải được hưởng. Không ai được lấy cái mình chỉ sở hữu 1 phần trở thành sở hữu riêng.”

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, việc đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ để bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca đã được đưa ra thảo luận và nhận được đồng tình của các ĐBQH.

Bà NGUYỄN THỊ SỬU - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân được thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”

Ông LÊ MINH NAM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Thời gian vừa qua, một số vụ việc liên quan đến Quốc ca trên không gian mạng, youtube, facebook, ngắt tiếng khi đội bóng hát Quốc ca đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến việc tiếp cận Quốc ca của Nhân dân, ảnh hưởng hình ảnh, thể diện quốc gia. Do đó, việc có thêm quy định về hành vi, chế tài, bản quyền đối với nội dung có tính chất pháp lý quan trọng là cần thiết. Nhằm đảm bảo tính pháp lý, trang nghiêm, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng việc phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế.”

Sẽ thật là hy hữu nếu như Quốc ca của một nước bị đánh bản quyền. Chính vì vậy sau khi tiếp thu và giải trình Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, đồng thời đáp ứng nhu cầu phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Thanh Hải