Chậm ban hành đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản làm ách tắc nhiều dự án đầu tư công

Sáng nay (25/4) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Mặc dù công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được nhiều kết quả khá tích cực, song cũng cho thấy còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là đối với những căn bệnh “trầm kha”.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2021 cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2021 là 72.068 tỷ đồng. Hết năm 2021, tinh giản biên chế vượt chỉ tiêu 10% mà Bộ Chính trị đề ra.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất với các kết quả đạt được của Chính phủ song cũng chỉ ra việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trên cơ sở ước dự toán thu năm 2021 thấp, thể hiện việc dự báo, đánh giá tình hình không sát với thực tiễn. Việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn chậm, nhiều lĩnh vực không hợp lý, không sát thực tiễn; tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị. 

Việc chậm phân bổ vốn đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn khó khăn; gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. 

Việc thực hiện các quy định về thực hành tích kiệm, chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân. 

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm. Nhiều dự án treo chưa được xử lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển có dấu hiệu “nóng”. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.

Quan tâm đến vấn đề định mức đơn giá, tiêu chuẩn, kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nhiều văn bản hướng dẫn quy định chi tiết nội dung này hiện nay không những chậm mà còn chưa sát thực tế dẫn đến tình trạng lãng phí hoặc xảy ra vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Bà NGUYỄN THỊ THANH - Trưởng ban Công tác Đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “Câu chuyện định mức đơn giá, tiêu chuẩn, kỹ thuật liên quan đến tổng mức của dự án, rồi tổ chức thanh, quyết toán là nội dung vướng nhất. Nhưng các bộ, ngành có liên quan được giao nhiệm vụ cũng chưa kịp thời, nhiều định mức tiêu chuẩn chưa sát với thực tế ở các lĩnh vực, nhất là đối với các dự án nạo vét sông hồ kè, rồi hồ đập, liên quan đến phần chìm cần phải được quan tâm, đánh giá.”

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần đi sâu kiểm tra vấn đề thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhất là đối với các công trình giao thông trọng điểm. Đây cũng phải được coi là nhóm giải pháp, nhiệm vụ cần bổ sung trong báo cáo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Xây dựng trụ sở cơ quan làm việc, các công trình công cộng thì có định mức, ở trên mặt đất kiểm tra dễ nhưng nằm dưới mặt đất, dưới sông, kênh thuỷ lợi, nạo vét, nhất là nạo vét luồng, khơi thông luồng, dòng chảy thì không ai đứng trông để đo đếm, nên cần tập trung vào.”

Nhấn mạnh báo cáo phải tập trung đi sâu vào những lĩnh vực nổi cộm nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần soi lại Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tôi nhớ lúc đó Bộ trưởng Bộ Xây dựng hứa trước Quốc hội là thời gian bao nhiêu thì hoàn thành xây dựng hệ thống đơn giá, định mức này? Bây giờ được bao nhiêu phần trăm? Việc sửa đổi không kịp thời có làm chậm đầu tư công, có làm ách tắc hay tăng chi phí đầu tư công không? Như vậy nên quy định đơn giá định mức như thế nào? Có thể tăng cường phân cấp cho các cơ quan theo kiểu khoán chi hành chính? Chỉ trong phạm vi đó, trên cơ sở, tôi chỉ ban hành cái khung thôi, để chúng ta quy định nguyên tắc.”

Chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực quản lý luôn liên quan đến việc sử dụng tài sản, vốn và ngân sách Nhà nước. Việc ban hành chậm văn bản hướng dẫn hoặc chưa bám sát thực tế dẫn đến tình trạng thời gian qua, một số địa phương gặp ách tắc trong triển khai các dự án đầu tư công và làm gia tăng chi phí trong lĩnh vực này.

Quang Sỹ