Chậm trễ ban hành quy hoạch ngành công thương gây lãng phí nhiều nguồn lực trọng yếu

Chậm ban hành quy hoạch ngành gây lãng phí nhiều nguồn lực xã hội. Đây là nội dung được các thành viên Đoàn giám sát chỉ ra trong buổi làm việc với Bộ Công Thương về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Phó Chủ tịch Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc.

Vấn đề quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quan trọng hàng đầu của Bộ Công Thương, tuy nhiên qua nhiều năm nghiên cứu, nhưng chưa được ban hành. Điều này đang gây ra lãng phí cho xã hội và để lại nhiều hệ lụy.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội: "Đoàn giám sát đi Gia Lai thì thấy rất nhiều cột điện gió đứng im nhiều năm, hỏi ra vì sao lại vậy thì nguyên nhân là do chưa có giá. Việc chậm ban hành quy hoạch ngành sẽ gây ra nhiều lãng phí nguồn lực kinh tế xã hội. Tôi đề nghị, trong quy hoạch các ngành dầu khí, than, điện phải làm rõ các nội dung này."

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: "Nghịch lý là chúng ta muốn sản xuất năng lượng tái tạo mặt trời hoặc là gió nhưng vừa qua chúng ta đã thấy rất nhiều cơ sở sản xuất nhà máy lắp đặt xong rồi nhưng không vận hành được. Thậm chí có những bài báo nói là các cơ sở phải cam kết là không vận hành thì mới được đấu nối, anh phát ra nhưng không được đấu nối, hạn chế điều đó, chứng tỏ khâu quy hoạch không được chủ động."

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN, Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Đúng là quy hoạch điện VII thì có những bất cập và quy hoạch điện VIII chúng tôi cũng phải qua 3 lần chỉnh sửa và đến giờ đã có một bước tiến dài, để làm sao giảm được điện than, tăng điện gió và mặt trời. Nhưng phải chờ vì mục tiêu COP26 thay đổi nên các hệ mục tiêu phải sửa để thay đổi."

Bên cạnh đó, thành viên đoàn giám sát cũng chỉ rõ, trong giai đoạn 2016-2021, số văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn phải sửa đổi, bổ sung của Bộ Công Thương chiếm hơn 50% tổng số văn bản ban hành mới. Tỷ lệ này cho thấy mức độ ổn định, tầm nhìn, khả năng dự báo, chất lượng của các văn bản chưa cao. Ngoài ra, còn gây tốn kém kinh phí, công sức sửa đổi và quan trọng là không kịp thời đáp ứng các yêu cầu xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, những văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ là hàng lang pháp lý quan trọng để các ngành thực hiện hiệu quả các nguồn lực. Với vai trò tham mưu quản lý nhà nước các ngành trọng yếu của đất nước, Bộ cần xác định rõ lộ trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: "Lãng phí do thể chế gây ra lãng phí lớn nhất. Xung quanh vấn đề tham mưu ban hành văn bản pháp luật cần làm rõ."

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ rõ bất cập, khó khăn, nhất là trong các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; có đề xuất cụ thể, rõ ràng về hoàn thiện chính sách. Năm 2023, UBTVQH sẽ giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng”, tiếp tục làm việc với Bộ sâu hơn về vấn đề này. 

Thanh Nga