Chất lượng cuộc sống Nhân dân là yếu tố then chốt trong giám sát sau sắp xếp đơn vị hành chính

Chất lượng cuộc sống của người dân sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là yếu tố then chốt cần được đánh giá kỹ lưỡng là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra tại phiên họp thứ 9, sáng 14/3 khi xem xét kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".

Cùng với đó, việc giám sát phải đánh giá sự đồng thuận của Nhân dân, năng lực hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, điều kiện cung cấp dịch vụ công có phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng đơn vị sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cũng là những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc đặt ra. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: điều kiện cần để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là dựa vào tiêu chí về diện tích, dân số; điều kiện đủ là phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Quá trình thực hiện phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân. Mục tiêu cuối cùng là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm biên chế. Mỗi địa phương khi thực hiện sắp xếp đều phải ban hành đề án riêng, rất công phu, đánh giá tác động nhiều chiều. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu của Đoàn giám sát hướng đến là đánh giá sự đồng thuận của Nhân dân, năng lực hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh như thế nào, điều kiện cung cấp dịch vụ công có phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng đơn vị.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chúng ta cần giám sát là phải rất cụ thể, tránh nói chung chung, cuối cùng không ai thấy mình ở đâu, những vấn đề rất quan trọng thì các đồng chí đưa xuống dưới dòng không ai đọc đâu. Tôi lấy ví dụ như tiết kiệm kinh phí phải cụ thể. Tiết kiệm đó nằm ở đâu, nằm ở tỉnh nào, ở bộ nào, ở địa phương nào? Không nói chung chung một câu là tiết kiệm như thế. Về biên chế chúng ta hiện nay giải quyết được như thế thì giải quyết này nằm ở tỉnh nào? Tại sao cùng một mặt bằng như vậy mà tỉnh này người ta giải quyết được, tỉnh kia lại không, để tồn dư nhiều như thế? Phải có bảng biểu, có phụ lục từng nội dung một chi tiết, cụ thể, tránh chuyện chúng ta nhận xét, đánh giá chung chung, tức là quá chung, ưu là chính sách này, chung chính sách này nhưng phải có địa chỉ cụ thể, từ đó chúng ta mới phát hiện được chỗ nào làm tốt để chúng ta nhân rộng ra, chỗ nào đạt yêu cầu, chỗ nào có khuyết điểm, thiếu tinh thần trách nhiệm và từ đó cá thể hóa trách nhiệm ra."

Từ thực tiễn ghi nhận ý kiến cử tri tại các địa phương, các đại biểu tham dự phiên họp cho rằng việc giải quyết chính sách cho cán bộ là vấn đề rất quan trọng, tạo ổn định lâu dài, do đó cần có chính sách đồng bộ thống nhất giữa các địa phương.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Cần quan tâm hơn về đánh giá chất lượng, Ví dụ như trong sắp xếp các tổ chức bộ máy huyện này với huyện kia, xã này với xã kia, thậm chí còn nông thôn vào với thành thị, chất lượng của câu chuyện này nó như thế nào, sắp xếp các đơn vị hành chính như thế đã hợp lý chưa để khai thác các tiềm năng, thế mạnh.”

Ông NGUYỄN DUY THĂNG, Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Bộ Nội vụ cũng đã có kế hoạch, chương trình để báo cáo Chính phủ sửa Nghị định 46 về thôi việc, Nghị định 108 chính sách tinh giản biên chế, Nghị định 143, Nghị định 113 tinh thần sẽ cố gắng làm sao để cho thuận nhất.”  

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách thực đề nghị  cần quan tâm đến thủ tục hành chính khi 2 xã nhập lại thành 1; trong đó cần đẩy mạnh dịch vụ công, nhất là vùng miền núi. Đồng thời, những dịch vụ này phải đưa về gần với dân hơn, tức là về với khu dân cư.

Ông NGÔ SÁCH THỰC, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam: Bây giờ mình rất muốn đẩy mạnh kỹ thuật số, Chính phủ số, v.v. những nội dung này chúng ta đẩy mạnh ứng dụng ngay ở những xã được nhập thì sẽ chứng minh phần ưu việt hơn, tức là mọi giải quyết nhanh hơn để làm sao giảm việc người dân phải đến xã, đến huyện.”

Tán thành với báo cáo của đoàn giám sát cho rằng đa phần các đô thị sau sáp nhập có sự giảm sút về chất lượng do mật độ dân số thấp, dàn trải trên diện tích rộng hơn, trong khi hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng lưu ý, trong việc sắp xếp lại cơ sở vật chất dôi dư. 

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: “Việc sắp xếp lại thì chỗ cơ sở vật chất dôi dư ra là có. Nếu chỗ này mà sắp xếp không hiệu quả, không cẩn thận là một mặt cũng tốn tiền cho việc tu sửa cơ sở vật chất. Thứ hai là sử dụng đất đai và cơ sở vật chất để lại để làm các việc gì, nhiều chỗ làm không tốt cũng xảy ra nhiều sai phạm.”

Ông LÊ QUANG HÙNG, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Bộ Xây dựng đang đi khảo sát toàn bộ 860 đô thị để xem nếu như chúng ta nâng cấp toàn bộ hạ tầng đô thị lên đạt chuẩn cũng như chỉnh trang, tái thiết đô thị thì tổng kinh phí ước chừng khoảng bao nhiêu, từ đó sẽ có tiếng nói đề xuất để chúng ta cân đối giữa việc chú ý đến đô thị phải tương xứng, như vừa rồi chúng ta tập trung chú ý vào hạ tầng giao thông, làm một loạt các tuyến đường cao tốc.”

Phát biểu kết luận nội dung làm việc Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị đoàn giám sát tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch tiến độ đã xác định, trong đó xác định rõ trách nhiệm thành viên đoàn giám sát. Trong thời gian tới cần khẩn trương tiến hành việc phối hợp với các cơ quan khảo sát các địa phương và làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ để thu thập thông tin, làm rõ thêm thuộc nội dung giám sát. Đánh giá đầy đủ, rõ ràng thực chất trên tất cả các mặt của nội dung giám sát, xác định chủ thể trách nhiệm có liên quan, rút ra bài học kinh nghiệm./.

Thùy Linh