Châu Âu: Tiêm chủng hoặc "hạn chế quyền tự do"

Khi biến thể Omicron lan tràn khắp Châu Âu, việc thúc đẩy tiêm vaccine đã trở thành ưu tiên hàng đầu để giảm gánh nặng lên dịch vụ y tế. Các nhà lãnh đạo Châu Âu đang theo đuổi chiến lược gia tăng sức ép với những người từ chối tiêm vaccine.

Với việc đại dịch đã bước sang năm thứ 3 và khoảng 70% dân số châu Âu đã được tiêm phòng đầy đủ, các nhà lãnh đạo Châu Âu tin rằng, sự chuyển hướng chiến lược về việc mạnh tay với vấn đề tiêm vaccine sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi. 

Tại Italia giữa tuần qua, nước này đã ban hành quy định tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với những người trên 50 tuổi. Trong khi đó, tại Áo, những người chưa tiêm phòng bị cấm tham gia hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả những khu vực mua sắm không thiết yếu, khách sạn và nhà hàng. Nước này cũng đang thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng bắt buộc cho tất cả người dân ngay từ tháng tới.

Tương tự tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, chính phủ đang thực hiện chiến lược “khóa chặt những người từ chối tiêm chủng”, không cho phép họ lui tới rạp hát hay tham gia các hoạt động giải trí khác, với quan điểm bất cứ ai chưa được chủng ngừa đều đang tự gây nguy hiểm cho bản than.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz: Chúng ta đều biết rằng biến thể Omicron dễ lây lan hơn nhiều so với các biến thể khác của virus Sars CoV-2. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định chỉ những người đã tiêm vaccine đầy đủ hoặc có xét nghiệm âm tính mới có thể đến các nhà hàng và quán bar.

Còn tại Pháp, Chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đang tăng cường hạn chế đối với những người không được tiêm chủng, thúc đẩy Quốc hội nhanh chóng thông qua quy định hộ chiếu vaccine để vào các quán bar, nhà hàng hay thậm chí là đi tàu. 5137 - Theo Nhà lãnh đạo Pháp, tiêm vaccine không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ. Chiến lược chống dịch COVID-19 quốc gia từ nay sẽ tập trung vào những người từ chối tiêm vaccine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Là một công dân cũng có nghĩa là bạn phải chấp nhận những nghĩa vụ đi kèm với quyền công dân. Chiến lược của chúng tôi rất đơn giản: Đó là tiêm chủng và đây cũng là chiến lược của Châu Âu.

Việc tiêm phòng bắt buộc không phải là điều chưa từng có tiền lệ tại châu Âu. Như tại Áo, năm 1948, Chính phủ nước này khi đó đã bắt buộc phải tiêm phòng bệnh đậu mùa theo luật. Đến năm 1980, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố đậu mùa là căn bệnh đầu tiên bị đánh bại nhờ tiêm chủng./.