Chi bộ nhà tù Sơn La: Hoạt động theo "tinh thần Tô Hiệu"

Nhà tù Sơn La, nơi được coi là địa ngục trần gian để thực dân Pháp giam cầm đầy ải những người yêu nước và cách mạng. Nhưng các chiến sĩ cách mạng kiên trung bị giam cầm ấy lại biến nhà tù Sơn La trở thành trường học cách mạng, gieo những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam. Có được kết quả đó là nhờ hoạt động của Chi bộ nhà tù Sơn La với linh hồn của Chi bộ là đồng chí Tô Hiệu.

Những hình ảnh này và câu chuyện giữa những người cựu tù Sơn La được chúng tôi ghi lại cách đây hơn 6 năm. Ông Nguyễn Văn Trân khi đó đã bước sang tuổi 99, còn ông Mai Vy cũng đã ở tuổi 93, thế nhưng khi nhắc về những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La họ vẫn nhớ như in. Cũng tại nơi đây, đồng chí Nguyễn Văn Trân được học tiếng Thái để rồi sau đó sáng tác bài hát để tuyên truyền cách mạng cho nhân dân quanh vùng.

Hơn 70 năm sau kể từ ngày ấy, ông vẫn nhớ, vẫn thuộc. Với họ, ở tù không phải là chấm dứt cuộc đời hoạt động cách mạng mà là tiếp tục cuộc đấu tranh đang bị bỏ dở ở bên ngoài. Cuộc đấu tranh dưới sự chỉ đạo của của Chi bộ Nhà Tù Sơn La, Bí thư Chi bộ là đồng chí Tô Hiệu.

Cố lão thành cách mạng NGUYỄN VĂN TRÂN - cựu tù Sơn La, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Mặc dù sức khoẻ yếu nhưng đến Sơn La đồng chí lập tức tổ chức mấy anh em lại rồi đặt vấn đề phải tổ chức chi bộ Đảng mới lãnh đạo được nhà tù, lúc đó nhà tù có 300 người, việc tổ chức Chi bộ đầu tiên đã gây được tinh thần lạc quan cho các Chi bộ. Đầu tiên lập một Chi bộ lâm thời, đến khi đại hội chính thức thì đồng chí được tất cả anh em bầu làm Bí thư Chi bộ”.

Ông MAI VY (tức Bùi Ngọc Xuyên) - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cựu tù Sơn La: Đến khi đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư thì có sự chuyển biến đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu là người tổ chức giỏi, lãnh đạo giỏi. Lúc bấy giờ có khoảng 200 Chi bộ mà có 7 người, từ khi có Chi bộ, cuộc sống trong tù khác hẳn, đối với địch thì có phương hướng đấu tranh vừa tiến vừa lui để làm sao cải tạo được đời sống trong tù từ chỗ cực khổ, thiếu thốn, bị bóc lột thậm tệ, chết nhiều đến khi có một đời sống rất khá vì tiêu chuẩn đế quốc cho tù chính trị thì cao, ví dụ 7 lạng gạo, 1 lạng 2 thịt, 50g rau, 10 gam muối, đó là chế độ mà phủ toàn quyền nó cho tù chính trị. 

Chế độ đấy mà cho tổ chức nấu lấy mà ăn thì no, nhưng nó cho nhà thầu, nhà thầu nó ăn khoảng 30%, 30% nó đút lút lót cho lãnh đạo tỉnh, mấy ông Tây, thế là tù chỉ khoảng 40% thôi, ăn đói, mỗi bữa mỗi người chỉ có một nắm cơm nếp có cả thóc bằng nắm tay này, 1 miếng thịt bằng 2 ngón tay này, 1 dúm muối, cho nên chết nhiều lắm. Chi bộ mới tổ chức đấu tranh với địch bắt chúng nó phải bỏ chế độ nhà thầu cho tù tự cân gạo, cân thịt, trồng rau, đi chợ, với chế độ ấy mà tù tự làm thì anh em ăn no và khoẻ mạnh, cho nên trong tù có lúc 300, có lúc 250, có lúc 350 nhưng chỉ chết có 7 người, nó khác hẳn đợt trước.”

Nhà tù Sơn La là nhà tù hà khắc nhất của Pháp. Chi bộ Nhà tù Sơn La đã đề ra các phương hướng và tổ chức đấu tranh với địch để cải thiện đời sống, đòi thực hiện đúng chính sách mà đế quốc dành cho tù chính trị. Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, nhà tù đã trở thành trường học cách mạng, huấn luyện, đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở cách mạng đồng thời tuyên truyền cho binh lính và đồng bào địa phương hiểu về người cộng sản, gieo mầm cho phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La. Tuy bị bệnh lao phổi tàn phá cơ thể nhưng đồng chí Tô Hiệu đã tranh thủ từng phút từng giây để viết tài liệu tuyên truyền và trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị. Tô Hiệu không chỉ là người thầy mà còn là người thầy của những người thầy ở đây. 

Ông MAI VY (tức Bùi Ngọc Xuyên) - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cựu tù Sơn La: Tổ chức đời sống vật chất cũng tốt, đời sống tinh thần cũng tốt nên tù khoẻ mạnh, và anh em được học tập chính trị và sau này ra ai cũng có công việc và đội ngũ đó ra có đóng góp rất quan trọng cho Cách mạng tháng Tám. Thật ra đó là lực lượng có kinh nghiệm và được rèn luyện, còn anh em ở ngoài thì hăng hái nhưng kinh nghiệm còn yếu. Chúng tôi mới gọi nhà tù là trường học cho nên phải biết đoàn kết có lý có lẽ, phải nhượng bộ mình. Lúc chúng tôi vào là một ông học trò, chưa có nhiều kinh nghiệm, lúc ra trở thành anh cán bộ khá rồi.”

Năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La nhận được thư của Trung ương nói phong trào đang rất thiếu cán bộ, đồng chí Nguyễn Văn Trân cùng với Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu là những người được Chi bộ lựa chọn để bố trí vượt ngục trở về tham gia lãnh đạo cách mạng. 

Ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu mất tại nhà tù Sơn La. Trước khi mất, ông khuyên anh em ở lại giữ vững khí tiết cách mạng, chuẩn bị đương đầu với khó khăn để đón tương lai sáng sủa đã ló rạng ở chân trời. Ông mất nhưng những cán bộ do ông đào tạo đã có sự đóng góp quan trọng để lãnh đạo Cách mạng tháng 8 thành công và sau này tiếp tục tham gia kháng chiến kiến quốc. 

Tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng của Tô Hiệu luôn chói sáng. Tại vách đá của nhà tù, cây đào ông trồng mang tên Tô Hiệu vẫn mãi xanh tươi, đó là biểu tượng cho sức sống và tinh thần bất khuất của những người tù cộng sản, sức sống mãnh liệt của cách mạng Việt Nam.

Ninh Tùng