Chiến dịch không kích Ukraine của Nga: Hiệu quả đến đâu?

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các cuộc tấn công tên lửa vào Ukraine đã đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, giới phân tích lại đang đặt câu hỏi về hiệu quả của chiến dịch không kích này, cho rằng các cuộc tập kích tên lửa là tốn kém và có “mức độ ảnh hưởng hạn chế”..

Thông tin từ báo The Washington Post, ngay trong ngày đầu tiên tiến hành không kích (10/10), Nga đã phóng 84 tên lửa, gây ảnh hưởng tới nhiều cơ sở hạ tầng tại Ukraine, khiến nhiều thành phố mất điện. Nga tiếp tục phóng 28 tên lửa trong ngày tiếp theo.

Ngày 13/10, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine tiết lộ khoảng 30% cơ sở năng lượng của Ukraine đã bị hư hại trong hai ngày liên tiếp diễn ra các cuộc tấn công của Nga.

HIỆU QUẢ ĐẾN ĐÂU?

Đặt câu hỏi về hiệu quả của các cuộc không kích này, Reuters dẫn nhận định của các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng các cuộc tấn công diễn ra với cái giá đáng kinh ngạc, làm cạn kiệt nguồn cung tên lửa tầm xa, không bắn trúng mục tiêu quân sự lớn nào và không có khả năng thay đổi cục diện cuộc chiến.

Mỗi tên lửa hành trình Kalibr có giá trị ước tính hơn 6,5 triệu USD. Điều này có nghĩa là Moskva đã tiêu tốn khoảng nửa tỉ đô la cho các vụ phóng tên lửa chỉ trong ngày không kích đầu tiên.

Trong khi đó, theo báo The Washington Post, lý do Nga không đánh trúng các mục tiêu có “giá trị cao” là bởi vì quân đội Nga dường như thiếu các tên lửa đủ chính xác để duy trì các cuộc không kích.

Kể từ tháng 5 vừa qua, việc sử dụng tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đã giảm mạnh. Các cuộc tấn công ngày 11/10 vừa qua chủ yếu sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên không, vốn có tốc độ chậm hơn các tên lửa dẫn đường Iskander và dễ bị bắn hạ hơn. Theo báo cáo từ Lầu Năm Góc, tên lửa hành trình phóng từ trên không của Nga có tỉ lệ hỏng hóc từ 20-60%.

Hiện các nhà phân tích chưa có đủ thông tin về kho tên lửa của Nga, tuy nhiên dựa trên các động thái mới nhất của Nga, các chuyên gia dự đoán rằng có thể dự trữ tên lửa dẫn đường chính xác của Nga không còn nhiều.

Theo Giáo sư Lawrence Freedman, Chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh tại Đại học King’s College London, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã không mang lại lợi ích quân sự rõ ràng nào.

Kim Ngọc