Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh: Bước tiến về trình độ tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch

Sáng 12/4, tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảng (24/4/1972 -24/4/2022), đại diện Bộ Quốc phòng đã khẳng định giá trị quan trọng của Chiến thắng này, đánh dấu bước tiến về trình độ tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972.

Hội thảo cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề "Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm" sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2022 tại Kon Tum nhằm khẳng định những giá trị to lớn của chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, đúc rút các bài học lịch sử quý giá và tri ân những đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào và nhân dân cả nước đã kiên cường chiến đấu và dũng cảm hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Chiến thắng Đắc Tô năm 1972 đã giành được kết quả to lớn và có ý nghĩa chiến lược, mở cánh cửa phía Bắc Tây Nguyên, giải phóng phần lớn tỉnh Kon Tum và khoảng 4 vạn dân. Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh cùng với chiến thắng Đông Hà Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ đã làm thay đổi cục diện chiến trường, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam.

Đại tá A VĂN DŨNG, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum: “Sau năm 1972 giải phóng ở Đắc Tô - Tân Cảnh cũng là tiền tuyến cũng là hậu phương để chúng ta tập trung lực lượng tiến công vào hướng Tây Nguyên, đặc biệt là chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 ở Buôn Mê Thuột, đây là nơi ngã ba biên giới, là nơi trung chuyển lực lượng, phương tiện, từ hướng Lào qua cũng như từ hướng Campuchia sang, chúng ta tập kết lực lượng ở đây để giải phóng Miền Nam, bà con nhân dân tỉnh Kon Tum ủng hộ cách mạng và đi theo bộ đội.”

Chiến thắng đó cũng thể hiện một bước tiến mới trong trình độ tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch, có ý nghĩa cả về nghệ thuật tổ chức và thực hành tiến công trên địa hình rừng núi và hiệp đồng binh chủng.

Đại tá DƯƠNG HỒNG ANH, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự: “Về nghi binh là một trong những điểm đặc sắc, ta đã tổ chức vòng ngoài buộc địch rút vào vùng căn cứ Tân Cảnh. Thứ hai đó là nghệ thuật chọn hướng mũi tấn công, địch đoán là ta tiến công theo hướng Tây nhưng ta đã thấy địch sơ hở hướng Đông nên làm đường khó khăn để đánh hướng Đông ở Ngọc Linh, đưa xe tăng và pháo xe kéo và đặc điểm nữa là phương pháp tác chiến hợp đồng binh chủng lực lượng xe tăng, pháo binh, phối hợp với bộ binh dứt điểm trận này trong thời gian rất ngắn.”

Phát huy thắng lợi của trận Đắc Tô - Tân Cảnh trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, việc phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng tiếp tục phát huy và giành những thắng lợi rất to lớn trong các chiến dịch tiếp theo và cuối cùng là tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung Hiếu