Chính phủ họp thường kỳ tháng 11

Sáng 1/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2022. Tại Phiên họp, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. 

Trong tháng 11, mặc dù có nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, xuất siêu 10,6 tỷ USD.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đến nay đã ban hành 16/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách theo Nghị quyết 11; giải ngân đạt gần 71,5 nghìn tỷ đồng; chi đầu tư phát triển đạt 176 nghìn tỷ đồng.

Đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, hiện đã ban hành 69 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện; 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; 52/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tháng 11, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro về kinh tế, chính trị, xã hội gia tăng. Trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Cùng với phân tích bài học kinh nghiệm của thành công trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; những hạn chế cần xử lý, khắc phục; phân tích tình hình trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Về tín dụng, ngân hàng, phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trong điểm, tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng thu, giảm chi, nhất là tiết kiệm chi các khoản không cần thiết. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh; Thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!