Chính phủ kiến nghị kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi nghị quyết hết hiệu lực thi hành và khi chưa luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 31/12/2023.

Việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tiếp tục duy trì cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của công ty quản lý tài sản VAMC, đảm bảo sự an toàn, phát triển bền vững cho toàn hệ thống ngân hàng nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung. 

Việc tiếp tục thực hiện nghị quyết không phát sinh đáng kể chi phí cho quản lý Nhà nước mà đều là các khoản chi thường xuyên. Do vậy, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, công nghệ, nhân lực hiện nay cơ bản sẽ đủ điều kiện cho việc tiếp tục thi hành nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thi của chính sách. 

Trên cơ sở đánh giá sự tương thích với các điều ước quốc tế và dự kiến nguồn lực đảm bảo việc thi hành, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 còn có những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ chính quy định tại nghị quyết cũng như từ quá trình thực thi, vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung là cần thiết. 

Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. Trong quá trình kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết trong năm 2022, cần khẩn trương có các văn bản hướng dẫn thực thi. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, tạo cơ sở đồng bộ, thống nhất, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa cùng với việc tổng kết, sửa đổi, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.