Chính quyền nói gì về con đường trăm tỉ mang lại ngập úng cho người dân tại Điện Biên

Như đã phản ánh trong chương trình Chuyển động 365 ngày 8/5, hàng trăm hộ dân ở tổ dân phố 18 và bản Huổi Phạ, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ rơi vào cảnh lao đao khi mất kế sinh nhai kể từ khi làm con đường trăm tỷ có tên Mùng 7 tháng 5.

Điện Biên làm đường trăm tỷ - dân mất kế sinh nhai

Mặc dù đã 75 tuổi, nhưng ngày nào bà Nụ cũng đi làm osin, dọn nhà cho người ta. Hôm nay, không có ai thuê nên bà đành phải ở nhà. Ở cái xóm nhỏ này, gần 7 năm qua, nước ngập hết ruộng vườn, những ông bà già cao tuổi hầu hết không có sức khoẻ để đi làm thuê nên chỉ quanh quẩn ở nhà, kiếm rau cỏ quanh vườn ao để qua ngày. 

 Bà TRẦN THỊ NỤ - tổ 18, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên: “Không lũ lụt, nước thoát được thì 1 năm cấy 2 vụ, ngoài ra chưa đến thời kỳ cấy hái chúng tôi cấy lấp, thì còn có thu hoạch để bán, đời sống đỡ vất vả hơn. Từ năm 2016 đến giờ, giải toả đường 60m thì ao ruộng không tiêu được nước, ngập lụt không làm được cái gì, chúng tôi rất vất vả, không trồng được cái gì ăn uống cả”. 

Từ ngày dự án đường 60m khởi động, nước ngập, cuộc sống gia đình anh Kiểm cũng đảo lộn hoàn toàn, không chăn nuôi trồng trọt được gì. Đổ đất, nâng nền, xây xong được cái chuồng để nuôi lợn thì nước lại ngập tràn vào. Anh Kiểm xoay xở đủ cách, đi làm thợ hồ, bốc vác thuê, nhưng vì dịch bệnh Covid nên thu nhập bấp bênh, ráo mồ hôi cũng hết tiền. 

Anh Trần Văn Kiểm, tổ 18 phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên: “Bây giờ giải quyết làm sao không được như trước thì cũng được 50-70%. Đất thì nhiều nhưng không canh tác được. Chưa mưa đã ngập hết rồi, dân biết làm cái gì! Dân kêu thì kêu nhiều rồi, không đến đâu cả”.

Hàng trăm hộ dân ở tổ 18 và bản Huổi Phạ, phường Him Lam lao đao vì ruộng vườn ngập úng không thể canh tác. Qua rất nhiều đợt tiếp xúc cử tri, các ý kiến, kiến nghị của người dân gửi đi nhưng hồi đáp là sự im lặng đến khó hiểu. 

Chị LÒ THỊ MI NA - tổ 18, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên: “Dân chúng tôi kiến nghị rất nhiều, đơn từ khắp nơi, từ phường lên thành phố, lên tỉnh, nhưng không nghe nói gì cả, không thấy trả lời gì cả. Lãnh đạo, chính quyền là sao mà hỗ trợ, đền bù ngập úng cho dân để ổn định cuộc sống, tiếp tục khơi thông dòng chảy để người dân tiếp tục canh tác, sản xuất”.

Ông NGUYỄN ĐẠT LONG - Phó Chủ tịch UBND TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên: “Chúng tôi đã đối thoại nhiều lần với nhân dân và triển khai công tác kiểm đếm tài sản, kiến trúc bị ảnh hưởng trong khu vực này để có giải pháp thực hiện hỗ trợ 1 lần cho nhân dân ở khu vực này”.

Cũng theo lãnh đạo UBND thành phố Điện Biên Phủ, cơ quan chức năng đã có phương án khơi thông cống rãnh, san lấp tạo mặt bằng khu vực ngập úng để người dân có đất sản xuất, đồng thời nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giúp bà con phát triển kinh tế. Đây là việc cần làm khẩn cấp, bởi cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây đã bị đảo lộn và chồng chất những khó khăn do mất đất, mất ao, vườn trong suốt 7 năm qua.

Sơn Nam