Chính sách dân tộc đầy đủ nhưng thiếu cán bộ tham mưu sẽ khó đi vào cuộc sống

Chiều ngày 24/03, Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc "Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021" làm việc với Bộ Nội vụ. Các đại biểu cho rằng, hiện còn nhiều chính sách cho cán bộ người dân tộc thiểu số chưa thực sự có hiệu quả trong thực tiễn, cần phải được đánh giá để làm rõ và có các quy định cụ thể hơn để thực thi.

Giai đoạn 2016 -2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến công tác dân tộc như: Chính sách tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, công tác bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, chế độ đối với cán bộ công chức, viên chức vùng dân tộc thiểu số; chính sách cho thanh niên; chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã thôn, tổ dân phố; chính sách khen thưởng; công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số. Các chính sách được ban hành khá đầy đủ tuy nhiên các đại biểu cho rằng trong thực tiễn tác động của các chính sách này chưa thực sự có ý nghĩa đối với bà con.

Ông QUÀNG VĂN HƯƠNG - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong đội ngũ cán bộ đến thời điểm này có 190 nghìn trong đó có 12.000 công chức còn lại là viên chức, nhìn tỷ lệ thì công chức đạt 6,5%, nếu mà trừ đi thì chủ yếu là giáo viên. Phải đánh giá thực chất ở các cơ quan nhà nước cần cán bộ người dân tộc thiểu số, ở các bộ ngành chẳng hạn, không có cán bộ dân tộc thì chính sách có đưa xuống cũng không có người tham mưu, cũng không đi vào cuộc sống được.”

Nhiều văn bản không quy định chi tiết nên các chính sách không đi vào thực tiễn, trong khi đó có những văn bản được quy định cụ thể nhưng vẫn không có hiệu quả. Ví dụ như Nghị định số 34 năm 2019 của Chính phủ quy định cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố người dân tộc thiểu số được ưu tiên cộng 5 điểm vào kết quả thi tuyển tại vòng 2 nhưng cùng với đó là hơn 10 đối tượng khác cùng được ưu tiên như thế thì rất khó để người dân tộc thiểu số được chọn.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Dân tộc đông người còn đỡ chứ dân tộc ít người thì giữa mênh mông bể sở của các đối tượng ưu tiên như thế thì làm sao vào được, và thực tế thời gian vừa qua cho thấy, con em người dân tộc thiểu số vào rất khó, vì những quy định như thế, vào được rất ít, không cạnh tranh nổi. Đưa vào 1 người mà cạnh tranh với 1000 người là không được luôn, cần phải nghiên cứu thêm về chính sách này.”

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Bộ quan tâm đặc biệt và có sự ưu tiên, tuy nhiên trong thực tiễn triển khai vẫn còn khó khăn 

Ông TRIỆU VĂN CƯỜNG - Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Chúng tôi đang xây dựng chính sách thì ưu tiên là như nhau nhưng khi bằng điểm nhau thì xếp thứ tự ưu tiên, nhưng nghe thế này chúng tôi cũng băn khoăn suy nghĩ không chỉ công tác tuyển dụng đâu còn công tác thi vào trường, công tác thi tuyển.”

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu thêm các quy định về vấn đề tín ngưỡng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và cho dù là chính sách pháp luật nào thì cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc là để người dân tộc thiểu số được hưởng các quyền bình đẳng như các thành phần khác và tạo điều kiện thúc đẩy người dân tộc thiểu số được quyền tiếp cận và hưởng các quyền quy định trong chính sách pháp luật.
 

Phan Xanh