Ngay sau khi tình hình dịch bệnh covid 19 dần được kiểm soát, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã nỗ lực vực dậy sản xuất. Nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động của các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang thu hút số lượng lớn nhân lực. Ghi nhận của Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang.
Công ty này có hơn 5.000 lao động trong lĩnh vực chế biến thuỷ hải sản. Hàng năm, lượng biến động lao động hơn 20% khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc đào tạo bổ sung nguồn lao động mới. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khi thực hiện nhiều giải pháp để thu hút và giữ chân người lao động, việc sản xuất của đơn vị luôn được đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám Đốc, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, Công ty Cổ phần Gò Đàng: “Hiện nay công ty đang áp dụng những chính sách để giữ chân công nhân như chăm lo cho đời sống, rồi tổ chức sản xuất liên tục, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho công nhân, đặc biệt là công ty có khu nhà tập thể có thể giải quyết chỗ ở cho hơn 1000 lao động và miễn phí trong việc ăn ở. Tỷ lệ biến động lao động năm nay chỉ còn 5% tôi nghỉ đây là một tín hiệu công ty đã đi đúng hướng để giữ chân được công nhân”.
Chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang: “Công ty hỗ trợ cho em rất là nhiều như nhà trọ tập thể, mà làm đây cũng gần nhà nữa lương tháng cũng được gần 9 đến 10 triệu, cũng đủ lo cho gia đình nên em thấy cũng ổn ạ”.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, thị trường lao động của tỉnh phải đối mặt với nhiều thách thức, tỷ lệ người thất nghiệp, thiếu việc làm tăng. Làn sóng di chuyển lao đông lớn từ Tp.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai trở về tỉnh là hơn 20.000 người. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết tốt việc làm cho người lao động.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang: “Thực hiện các chính sách cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, các chính sách an sinh xã hội, và hỗ trợ việc làm, thường xuyên đăng tải các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như các chính sách về tiền lương, đãi ngộ của đơn vị tuyển dụng trên các trang web của sở và của trung tâm việc làm tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút lao động của tỉnh đang làm việc tỉnh khác quay về tỉnh nhà hoặc từ các tỉnh khác qua tỉnh nhà làm việc”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với những tín hiệu lạc quan hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất ở những địa phương như tỉnh Tiền Giang nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung hứa hẹn sẽ có những bứt phá trong thời gian tới.
Thực hiện : Nguyễn Điền Hữu Bình