Chính sách nào để hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp?

Chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải đột phá, phù hợp với tình hình mới đó là kiến nghị của nhiều Đại biểu Quốc hội khi khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo cơ sở quan trọng để đảm bảo sự ổn định và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Theo các đại biểu, nông nghiệp có vai trò quan trọng như vậy nhưng trong việc đầu tư ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội vào nông nghiệp những năm qua chưa tương xứng với những đóng góp của nông nghiệp đối với Quốc gia và xã hội. Hơn nữa, người nông dân hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước việc giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá nông sản không tăng.

ÔNG NGUYỄN VĂN THI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn nhưng tôi cho rằng nút thắt hiện nay là phân tán đất đai, khó khăn trong việc sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị và vấn đề tiêu thụ nông sản. Việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay cần bắt đầu chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình, sản xuất nhỏ sang hợp tác xã gắn với đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo thành các liên kết nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.”

Nhất trí cao với giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu bền vững, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội, đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Đoàn tỉnh Quảng Ninh cho rằng, quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu, chủ trương, quyết sách tốt sẽ mang lại hiệu quả cao.

Thượng tọa THÍCH THANH QUYẾT - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang các nước láng giềng đã được Chính phủ tháo gỡ nhưng vướng mắc lại từ nước nhập khẩu, đề nghị Chính phủ có định hướng, kế hoạch cùng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.”

Đại biểu tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cho rằng, để nông sản đến với thị trường một cách thông suốt, bên cạnh việc nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng khu vực chế biến nông sản của Đồng bằng Sông Cửu Long – nơi thường xuyên dẫn ra việc được mùa mất giá hay chịu cảnh ùn ứ nông sản thời gian qua, Chính phủ cần hỗ trợ trong điều phối, liên kết vùng.

Bà TRẦN THỊ THANH HƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: “Để phát triển nông nghiệp bền vững đề nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn trong việc thu hút đầu tư vào chế biến nông sản đồng bằng và có cơ chế ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông thủy sản, nhất là hệ thống logictis, nhất là kho trữ lạnh để vào những thời điểm thu hoạch cao điểm.”

Thực tế cho thấy,  biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như nhiều thay đổi  bước ngoặt trong ngành nông nghiệp, chúng ta cần có sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh, khơi thông dòng chảy nông sản, qua đó phát triển kinh tế nhanh – bền vững.