Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tăng cường đấu tranh, truy thu thuế trên nền tảng số

"Với thu thuế trên các nền tảng số, sẽ tăng cường đấu tranh và truy thu thuế trên nền tảng số" - phát biểu của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại phiên thảo luận chiều 7/1 tại Quốc hội ở phần làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã  làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Vào chiều 7/1, sau các phiên thảo luận tại tổ và trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022, dự kiến số giảm thuế sẽ vào khoảng 64.000 tỉ đồng, gấp 3 lần mức của năm 2021. Năm 2022 cũng sẽ là năm chi ngân sách lớn nhất từ trước đến nay. Liên quan đến ý kiến cho rằng việc giảm thuế VAT cần giảm đến 5%, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết năm 2022 sẽ áp dụng giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10% trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản… nếu mức giảm thuế lớn hơn sẽ gây áp lực và không đảm bảo cho cân đối ngân sách. 
 
Về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới sản xuất trong nền kinh tế. Trong khi nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì những doanh nghiệp thua lỗ sẽ không được hưởng để có thêm nguồn lực.
 
Với ý kiến cho rằng có nên tăng thuế giao dịch bất động sản, chứng khoán, mặt hàng hạn chế tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết hiện nay, Việt Nam đang đánh thuế chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là 20%, với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán; với bất động sản thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, với cá nhân là 2% trên mỗi lần mua - bán. Hiện thị trường chứng khoán đang là kênh thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế. Do vậy, nên giữ nguyên thuế giao dịch chứng khoán.
 
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Năm 2021, quy mô vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 7,77 triệu tỉ đồng, tương đương 92,5% GDP của năm 2021. Do vậy nên giữ nguyên mức thuế giao dịch. Nếu có siết thì siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Với chuyển nhượng bất động sản cá nhân yêu cầu nộp thuế theo đúng giá bán thực tế. 
 
Cũng trong phần giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng dư địa chính sách tiền tệ trong Chương trình phục hồi kinh tế này là ít, chủ yếu là dựa vào chính sách tài khóa. Yêu cầu khi thực hiện chương trình này là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì vậy, khi đưa tiền ra qua chính sách tài khoá, Chính phủ đã cân nhắc kỹ để đảm bảo linh hoạt chính sách tiền tệ.  
 
Về việc giảm lãi suất, hệ thống ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất. Năm 2021 giảm mặt bằng chung khoảng 0,8%, năm 2020 giảm 1%. Ngân hàng Nhà nước cũng vận động, khuyến khích miễn giảm lãi vay và phí. Số tiền giảm đã lên đến gần 40.000 tỉ đồng.
 
Còn theo bà Nguyễn THị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Theo quy định thì Ngân hàng Nhà nước không thể bắt buộc các ngân hàng thương mại giảm lợi nhuận để giảm chi phí lãi vay. Hiện lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và xu hướng lãi suất tăng lên. Trong khi nền kinh tế của Việt Nam đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là vấn đề thực sự khó khăn. Tuy nhiên, duy nhất trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cũng cân nhắc và đưa ra giải pháp là phấn đấu để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân./.