• 2200 lượt xem
  • 20:39 13/03/2022
  • COVID-19

Chờ hướng dẫn bóc tách chi điều trị Covid-19, bệnh viện đang cạn tiền

Đã có rất nhiều văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ được ban hành thậm chí mang tính chất là cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Thế nhưng quá trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; trong đó có việc thanh toán chi phí khám, điều trị cho người mắc COVID-19 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế. Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc với tính chất của bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Theo đó, người mắc COVID-19 sẽ phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo quy định. Đồng thời, được ngân sách Nhà nước thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Đã có rất nhiều văn bản của UBTVQH, của Chính phủ được ban hành để quy định về nội dung này, thậm chí mang tính chất là cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Thế nhưng thực tế đến nay những vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Trong đó có việc thanh toán chi phí khám, điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 vẫn hiện hữu và chưa được giải quyết dứt điểm.

Chi phí điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước chi trả; các chi phí điều trị các bệnh nền sẵn có của bệnh nhân do quỹ BHYT chi trả. Quy định nguyên tắc là vậy, tuy nhiên thực tế việc xác định và bóc tách các chi phí này không phải dễ dàng, bởi bệnh lý covid là bệnh lý tổn thương đa cơ quan nên không thể phân định rõ ràng, nhất là trong giai đoạn người F0 chuyển nặng.

BSCK II. NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn: Đúng là sự bóc tách thuốc cũng như các danh mục dịch vụ kỹ thuật để điều trị cho người bệnh rất khó, khi virus tấn công sẽ tấn công tất cả các quan trong cơ thể, trên một nền bệnh lý của bệnh nhân cũng là bệnh lý chung khó bóc tách cái nào gây ra bệnh lý, Covid-19 gây ra bệnh lý nên nặng hay bệnh lý nền làm nặng lên của virus rất là khó.”

Là một trong những địa chỉ khám và điều trị COVID-19 uy tín của thành phố Hà Nội, từ tháng 5/2021 đến nay bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã thực hiện khám sàng lọc và điều trị cho gần 152.000 ca, trong đó đã điều trị cho 2.000 bệnh nhân F0 từ thể nhẹ tới lọc máu với tổng chi phí điều trị 21,67 tỷ đồng. Ngay cả chi phí khám chữa bệnh điều trị Covid-19 được ngân sách nhà nước đảm bảo theo chi phí thực tế thì cũng khó thực hiện. Bởi việc tổng hợp chi phí điều trị Covid-19 được xác định theo phương pháp như thế nào vẫn do bệnh viện tự loay hoay xác định mà chưa có một hướng dẫn cụ thể nào từ cơ quan có thẩm quyền. Cũng vì thế Bệnh viện chưa được quyết toán thu về nguồn của mình.

TS,BS NGUYỄN VĂN THƯỜNG - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang: “Khó khăn đầu tiên là ghi thanh toán cho bệnh nhân ntn, chúng tôi hiện đang thanh toán các dịch vụ kỹ thuật cho bênh nhân theo thông tư 13,14 của Bộ Y tế, nhưng sau này thanh toán ghi đúng theo nguồn này hay có thay đổi hiện tại chúng tôi chưa đc hướng dẫn, thứ 2 lấy toàn bộ thanh toán cho bệnh nhân covid đến giờ chưa đc hướng dẫn thanh toán ntn từ nguồn nào, điều này tạo áp lực nhất định lên điều trị bệnh nhân covid tại bệnh viện”

Trong khi bệnh viện gồng mình trước áp lực thu dung và điều trị cho bệnh nhân F0, nhất là trong bối cảnh số ca mắc tăng cao thì lại phải căng sức, tốn rất nhiều thời gian để giải bài toán phân tách rõ ràng, chính xác các chi phí điều trị Covid-19 và chi phí điều trị các bệnh khác. Ngay tại chính điểm b, khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 này cụm từ “nguyên nhân bất khả kháng” đã trở thành điểm nghẽn làm khó bệnh viện trong quá trình bóc tách chi phí điều trị COVID-19. Hiện chưa có văn bản nào quy định các nguyên nhân bất khả kháng là gì để có thể áp dụng.

Lĩnh vực y tế luôn có các danh mục về bệnh tật và kỹ thuật trong khám chữa bệnh; Để các bệnh viện thu chi theo nguyên tắc thu đúng, thu đủ theo khấu phần giá thì rất cần hành lang pháp lý quy định từng danh mục bệnh tật, kèm theo giá viện phí, kỹ thuật triển khai thực hiện. Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành, nhưng đến nay Nghị định hướng dẫn để thực hiện thì chưa có. Sự chậm trễ này khiến các bệnh viện vướng mắc lại chồng thêm khó khăn.

Là bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân covid nặng và nguy kịch, Bệnh viện Thanh nhàn cho biết chi phí thuốc men, vật tư hóa chất, oxy là rất lớn. Tuy nhiên đến thời điểm này do chưa có những hướng dẫn cụ thể trong việc thanh toán nguồn chi trả điều trị cho người bệnh mắc Covid, nên từ năm 2021 đến nay tất cả các hồ sơ bệnh án của bệnh nhân covid vào bệnh viện cũng chưa được thanh toán, kéo theo đó là nguồn tài chính của bệnh viện đang rất khó khăn.

BSCK II. NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn: “Trong thời gian chờ hướng dẫn thì các bệnh viện rất khó khăn trong vấn đề kinh tế thì phải có một cơ chế nào để có nguồn tài chính hỗ trợ cho bệnh viện để tiếp tục các công việc khám chữa bệnh thông thường cũng như công tác khám chữa bệnh điều trị bệnh nhân covid, vấn đề mua sắm thuốc men vật tư tiêu hao hóa chất cho các đợt tới, vì chưa biết đến bao giờ sẽ thanh toán hết những hồ sơ bệnh án đã qua và nguồn kinh phí ý thức tôi quá hạn hẹp, nếu tiếp tục như thế này, không có nguồn để chi trả cho các công ty thuốc vật tư hóa chất cũng như lương cho anh em”

Thực hiện tự chủ về chi thường xuyên từ năm 2018, nên toàn bộ hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đều phụ thuộc vào nguồn thu tại bệnh viện. Cũng chính vì thế khi chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc covid tăng cao và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được quyết toán ngân sách Nhà nước đã khiến hoạt động của bệnh viện bị ảnh hưởng nhất định.

BSCK II. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÙY - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa: “Hiện bệnh viện đa cố gắng chi tiêu tiết kiệm, chi đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên về lương phụ cấp, chi công tác phòng chống dịch. Nhưng chi về mua sắm trang thiết bị, thuốc thì bệnh viện phải hết sức tiết kiệm và rà soát. Nếu thời gian tới khi số lượng điều trị vẫn tăng tăng nhưng vẫn chưa được thanh quyết toán thì sẽ ảnh hưởng đến mùa thu của bệnh viện”.

Việc bóc tách chi phí điều trị gặp khó, trong khi đó bệnh nhân ra viện khi kết thúc điều trị vẫn phải tiến hành thanh toán; Không để tồn đọng lâu cho người bệnh bệnh, nhiều bệnh viện đã xử lý bằng cách tự tạm ứng nguồn lực của mình. Tuy nhiên đến nay các thủ tục để có được nguồn kinh phí từ NSNN chi trả lại chưa thể hoàn tất. Cũng có bệnh viện đã được giao kinh phí nhưng cũng vì nguyên nhân chưa có hướng dẫn cụ về phương pháp tổng hợp chi phí điều trị Covid-19 nên chưa được thanh quyết toán. Với nhiệm vụ được giao, bệnh nhân F0 đến điều trị họ không được từ chối, cùng với đó là vẫn phải duy trì các hoạt động của bộ máy từ nhân lực đến vật lực… Thế nhưng nguồn chi trả là đâu? Cơ sở xác định như thế nào? Bao giờ kinh phí có ?... thì vẫn đang là câu hỏi cần sớm có lời đáp.

Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã có hiệu lực và được xem là Nghị quyết có tính chất quyết định trong việc thay đổi hoạt động của hệ thống y tế trong phòng, chống dịch giai đoạn mới. Trước rất nhiều khó khăn vướng mắc được nêu trên thì mong mỏi lớn nhất của các bệnh viện lúc này là Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Có như vậy mới sớm tháo gỡ điểm nghẽn trong duy trì hoạt động của các bệnh viện, cán bộ y tế yên tâm công tác, còn người bệnh cũng được đảm bảo quyền lợi. Từ đó góp phần vào thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19. Và sau đây là phản hồi của cơ quan có thẩm quyền về nội dung đang được quan tâm này.

Ông ĐỖ TRUNG HƯNG - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:Hiện nay Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn để thực hiện nghị quyết 12 đối với nội dung hướng dẫn thanh toán bệnh nhân Covid-19; nội dung dự thảo cũng đã được xin ý kiến Bộ Tài chính, ngày 4 tháng 3 năm 2022, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời Bộ Y tế. Trên cơ sở trả lời này Bộ Y tế đã tiếp thu và dự kiến chúng tôi trong tuần này bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình báo cáo chính phủ các nội dung tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định, cũng như ý kiến góp ý của các bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị định sớm ban hành áp dụng trong thực tiễn, cơ bản sau khi ban hành sẽ áp dụng trực tiếp trong đó sẽ có biểu mẫu hướng dẫn, hạn chế sau nghị định ban hành và áp dụng ngay khi Chính phủ xem xét thông qua".

Như Thảo