Chồng lấn địa giới hành chính, hàng nghìn hộ dân mất quyền lợi

Hiện giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum vẫn còn tồn tại vướng mắc về chồng, lấn địa giới hành chính giữa thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My và xã Đắk Nên, huyện Kon Plong. Điều này đã khiến cho 232 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu nhân khẩu gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất, lẫn tinh thần.

Về góc độ lịch sử, hơn 6.000ha đất với 232 hộ dân tộc Ca Dong thuộc sự quản lý của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, căn cứ bản vẽ bản đồ theo Chỉ thị 364 ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phần đất này thuộc về tỉnh Kon Tum.

Ông TRẦN VĂN THƯƠNG, Chủ tịch UBND xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam: “Qua 3 lần trưng cầu ý kiến của nhân dân là có phiếu, có biên bản cụ thể về việc bên Kon Tum mong muốn nhân dân sáp nhập vào xã Đắc Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, nhưng nhân dân không đồng ý, không đồng tình. Đời sống của bà con từ bao đời, sự hi sinh của bà con là văn hóa của bà con - văn hóa ở đây là đất mồ mả của bà con, rừng núi của bà con, nơi “chôn rau cắt rốn” của những người nơi đây.” 

Do chồng lấn về địa giới hành chính nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho người dân nơi đây rất hạn chế. Nơi đây được ví như “làng 5 không” khi đường giao thông chưa được đầu tư, trường lớp tạm bợ, điện, nước và hệ thống thông tin liên lạc vẫn chưa về đến làng... Đời sống vật chất và cả tinh thần của người dân còn rất khó khăn.

Ông NGUYỄN ĐÔI HỒNG, người dân vùng chồng, lấn địa giới hành chính: Chưa chia tách về ranh giới hành chính làm nhân dân không được hưởng một chế độ chính sách nào. Tại sao dân ở chỗ khác được hưởng các chế độ, các chính sách, mình cũng là con người Việt Nam nhưng sao mình không được hưởng. Còn chuyện tranh chấp thì dân đâu có biết. Thật sự, người dân họ không muốn về ở bên Đắk Nên.” 

Đây là hệ luỵ của việc chồng lấn địa giới hành chính từ phương pháp chuyển vẽ nội nghiệp trong phòng và không tiến hành kiểm tra tại thực địa, máy móc lạc hậu nên kết quả đo đạc sai số lớn, mà hơn 1.000 nhân khẩu khu vực này là ví dụ.

Ông PHAN VIỆT CƯỜNG, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam: “Trách nhiệm của chúng tôi sẽ nghiên cứu báo cáo với Bộ Nội vụ, với Chính phủ để tập trung đề ra phương án để giải quyết. Mấu chốt nhất là phải lấy ý kiến của bà con nhân dân ở vùng chồng lấn địa giới hành chính làm sao cho hai bên được yên ổn, trách nhiệm của tỉnh Quảng Nam, của tỉnh Kon Tum chúng ta không vì địa giới hành chính mà gây mất trật tự ở khu vực này.” 

2 phương án giải quyết được cân nhắc đưa ra là chỉ điều chỉnh phần diện tích đất nhân dân xã Trà Vinh đang sinh sống, canh tác thuộc địa phận quản lý của xã Đắc Nên về xã Trà Vinh với diện tích khoanh vẽ thực địa hơn 3.000ha; hoặc điều chỉnh địa giới hành chính chuyển phần diện tích thuộc quản lý của Chỉ thị 364 của xã Đắk Nên mà nhân dân xã Trà Vinh đang sinh sống và canh tác về xã Trà Vinh với diện tích gần, 6.200ha. 

Mỹ Phượng - Lê Quang