Trong hàng loạt những thách thức to lớn mà con người phải đối mặt trong thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đói nghèo, bệnh dịch, ô nhiễm rác thải nhựa cũng không nằm ngoài những thách thức này. Đây là lời kêu gọi được đưa ra tại Hội nghị quốc tế Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy vậy, biển và đại dương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm rác thải, chiếm tỷ trọng lớn và phân hủy lâu nhất là rác thải nhựa.
Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hiện đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này.
Bà LETICIA CARVALHO - Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc: “Ô nhiễm rác thải nhựa ảnh hưởng rất lớn đến các khía cạnh kinh tế xã hội và môi trường. Do đó, ô nhiễm rác thải nhựa cần phải được giải quyết, với sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, nhấn mạnh đến tính cấp bách của vấn đề ở tất cả các cấp độ khác nhau, ở cả địa phương và toàn cầu. Chúng ta phải có hỗ trợ tài chính, pháp lý, ban hành các chính sách nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đảm bảo một nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.”
Là quốc gia có đường bờ biển trải dài 3.260km, kinh tế biển và các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam dự kiến sẽ đóng góp tới 65-70% GDP vào năm 2030.
Do đó, bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Các đại biểu đều đánh giá cao những hành động thiết thực của Việt Nam, như mục tiêu quốc gia giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030 và Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2022.
Bà CAITLIN WIESEN, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP): “Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước gây ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Chính phủ đã có một số hành động, như xem xét cách thức cấm nhựa sử dụng một lần, đây là một sáng kiến rất tốt, tuy nhiên cần có một cách tiếp cận tích hợp, xem xét quá trình sản xuất nhựa, tái chế nhựa, tái sử dụng. Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ tái chế rất thấp, vì thế chúng ta cần thực sự ngăn nguồn ô nhiễm nhựa, làm tốt hơn việc phân loại tại nguồn, nỗ lực tái sử dụng nhựa và đảm bảo có thị trường thứ cấp để tái sử dụng.”
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc gia về giải quyết vấn nạn rác thải nhựa, trong đó nổi bật là những chính sách về hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, hạn chế xả thải ra biển, xây dựng các chương trình phát triển kinh tế biển xanh và bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển.
Thực hiện : Vân Hương Đinh Giang Minh Quốc