Chủ tịch Quốc hội: "Sửa Luật Các tổ chức tín dụng phải song hành với sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi"

Nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là rất cấp bách, có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra yêu cầu củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế và tổ chức tín dụng trước các cú sốc từ bên trong, bên ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thực hiện đến hết ngày 31/12/2023. Nếu dự thảo luật này không trình ra kỳ họp thứ 5 tới để thông qua tại kỳ họp thứ 6 thì sẽ có khoảng trống pháp lý đối với xử lý nợ xấu.

Quan tâm đến vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đây là vấn đề đang được xử lý rất chậm cho dù đã có Đề án về vấn đề này. Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ thêm, quá trình mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt một số ngân hàng đã xử lý được những gì, còn những gì vướng cần đưa vào luật.

Cũng liên quan đến vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thua lỗ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại trình tự và cách thức xử lý hiện nay. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề tham khảo kinh nghiệm từ việc Mỹ xử lý ngân hàng SVB vừa qua, đó là phản ứng rất nhanh, và vấn đề bảo hiểm tiền gửi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để góp phần tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, tăng cường độ an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, nhất là trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính đối với các tổ chức tín dụng, cùng với đó là giám sát tài chính. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng kinh nghiệm của Trung Quốc mới đây khi kiện toàn Chính phủ đã thành lập cơ quan giám sát tài chính riêng trực thuộc Trung ương để giám sát toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Sau khi thảo luận, 100% các thành viên uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam