Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đau đớn tinh thần còn khủng khiếp hơn thể chất

Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã sửa đổi phạm vi điều chỉnh để phù hợp với việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức phức tạp.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bạo lực gia đình có sự phát triển phức tạp trong xã hội hiện đại, tạo nên những vấn đề nhức nhối, đau lòng trong xã hội. Có những trường hợp không phải chỉ ở việc bạo hành về thể chất mà còn bạo hành về mặt tinh thần, với những ảnh hưởng sâu sắc, nguy hiểm. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bổ sung cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nhận diện hành vi bạo lực gia đình so với dự thảo trình Quốc hội đến nay đã thay đổi rất nhiều, cơ bản là chúng tôi tán thành. Ngoài thể chất ra thì đau đớn tinh thần còn khủng khiếp hơn. Vấn đề ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi có phải vấn đề bạo lực gia đình không? Vấn đề này đưa vào để các Đại biểu có tán thành hay không? Cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hành vi.”

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch: “Đề nghị góp ý thêm: nhận diện như vậy lựa chọn 18 hành vi, nếu rõ như này thì rất khó để làm, xin các đại biểu từ góc độ tiếp cận góp ý thêm nhất là về bạo lực tinh thần. Sức ép của các bà vợ làm thật nhiều tiền, đấy có phải là bạo lực không?”

Một số ý kiến cho rằng mô hình gia đình trong xã hội Việt Nam cũng như mối quan hệ từng gia đình hiện có thay đổi rất lớn, đã xuất hiện nhiều hành vi bạo lực rất đa dạng, hình thức tinh vi, phức tạp với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, càng lúc khó xử lý. Có những hành vi bạo lực biểu hiện cụ thể, nhận thấy rõ, tuy nhiên có những hành vi mà chúng ta không nghĩ nó là hành vi nhưng lại gây ra khủng hoảng về tâm lý, tinh thần, đó cũng là bạo lực gia đình.

Bà PHAN THỊ MỸ DUNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: "Khi về nhà, chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc là không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có hoặc là giận cá chém thớt tức là không hành động gì với người bị bạo hành cả nhưng cứ đánh chó, đánh mèo,...lâu dài cũng làm cho thành viên bị tác động sẽ bị khủng hoảng về tâm lý."

Ông TRÌNH LAM SINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: “Hai vợ chồng vì lý do nào đó không có con, người chồng không ly hôn hay rời bỏ mà vẫn yêu thương vợ, nhưng tối ngày đi nhậu với bạn để giải buồn, để vợ ở nhà, đó có phải hành vi bạo lực tinh thần không?”

Hoà thượng THÍCH BẢO NGHIÊM, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Có cái rất đau lòng khu mà 2 vợ chồng đó mâu thuẫn, thì đứa con đó có liên quan gì mà 1 mẹ và bố bế con đi tự tử, thế nên tôi đọc chưa thấy vấn đề này. Ví dụ như ô bố mẹ đó tự tử, nếu mà chết thì không có chuyện nữa nhưng nếu mà được cứu sống thì có đưa vào tội bạo lực gia đình không?”

Bên cạnh đó, việc bạo hành gia đình còn xảy ra ở các môi trường khác nhau ở trong một gia đình, không phải chỉ ở trong nhà, mà ở bên ngoài gia đình, trên môi trường mạng. Đây cũng là những vấn đề mới cần phải được rà soát.

Bà NGUYỄN THỊ KIM ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Đề nghị bổ sung bạo lực gia đình trên môi trường mạng. Đối với bản thân người bị bạo lực rất ngại khi bị người khác biết được nỗi khổ của bản thân.”

Bên cạnh đó, về đối tượng bị bạo hành, một số ý kiến cho rằng đối tượng trong một gia đình bị bạo hành có thể là con cái, có thể là bố mẹ, ông bà, vợ chồng, người thân, những người bị phụ thuộc hoặc những người được coi là thành phần trong gia đình. Nhưng cũng có những cá nhân chung sống với nhau thời gian dài mà không có hôn thú. Đây cũng là vấn đề cần phải xem xét để bao quát phạm vi điều chỉnh.

Thanh Nga