Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Luật Khám, chữa bệnh cần tách bạch chuyên môn và quản lý tài chính

Sáng 22/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, cần quy định cơ chế, chế tài rõ ràng để các thấy thuốc tập trung chuyên môn mà không phải lo lắng về quản lý. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp đa số các thành viên UBTVQH đánh giá, dự án luật đã khắc phục những hạn chế về vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời đề nghị rà soát các quy định để sửa đổi bổ sung. Về các chức danh, giấy phép hành nghề, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần rà soát chức danh để bao quát hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Lực lượng y sĩ hiện nay không chỉ có trong quân đội, trong xã hội vẫn còn rất nhiều. Nếu chỉ cấp cho lực lượng vũ trang vậy khi họ hết tuổi phục vụ trong lực lượng vũ trang rồi thì nghỉ sao? Như thế có lãng phí không? Cần giải pháp để lực lượng y sĩ này đóng góp công sức cho công cuộc khám chữa bệnh nước nhà khi họ vẫn đủ sức khoẻ, trình độ mà hết tuổi phục vụ tại ngũ".

Về nội dung người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, việc quy định như thế này sẽ “tự dựng bức tường” ràng buộc.

Ông LÊ TẤN TỚI - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: "Kỹ thuật cao về khám, chữa bệnh chúng ta rất cần (để) tiếp cận với thế giới. Bệnh viện nào có công nghệ tiên tiến nhất là thu hút người khám bệnh. Có những chuyên gia, người phổ thông mà người nước ngoài sử dụng (thông dịch viên - PV) nên chăng không có rào cản này, (thay vào đó) quản lý chặt chẽ người phiên dịch. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ. Quan điểm của tôi là ủng hộ chuyên gia, bác sỹ nước ngoài nhưng kiểm soát về phiên dịch, kiểm soát về chuyên môn. Vấn đề này nằm trong khả năng của chúng ta”.

Cho ý kiến về nội dung dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đặc biệt, làm thế nào để các thầy thuốc tập trung vào chuyên môn, không còn lo lắng về quản lý tài chính, trong đó có hoạt động mua sắm vật tư trang thiết bị y tế.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Chúng ta thiếu kiểm soát đối với việc tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, dẫn tới các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực khám chữa bệnh và cơ sở khám chữa bệnh, từ mua sắm vật tư, thuốc men, trang thiết bị y tế... Đảm bảo tính công khai minh bạch trong tự chủ về tài chính. Làm thế nào để các thầy thuốc tập trung chuyên môn, không bị lo lắng về quản lý (tài chính)?

Bên cạnh đó, cần minh bạch, giải trình trách nhiệm trong hoạt động khám chữa bệnh; có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh đảm bảo khoa học, khách quan; tuân thủ khuyến cáo của WHO về đảm bảo hệ thống y tế, khám chữa bệnh, lấy người dân làm trung tâm; loại trừ sai sót, lạm dụng dịch vụ khám chữa bệnh, làm tổn thương thêm cho bệnh nhân trong chăm sóc y tế. 

Về vấn đề khám chữa bệnh theo yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần khuyến khích các trung tâm trình độ cao khi nhiều bệnh nhân mất rất nhiều tiền để ra nước ngoài do điều kiện trang thiết bị trong nước chưa đáp ứng. 

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hồ sơ dự án luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét ở kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để bổ sung vào luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

 Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, đối tượng tác động về kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép hành nghề, có định hướng nâng cao bồi dưỡng với nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể cơ cấu các tuyến, lộ trình phân tuyến; quy định về giá, quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh.

Tiến Dũng