Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phát hiện văn bản sai, trái hiến pháp, phải lập tức tuýt còi ngay

Cho ý kiến về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây là vấn đề cấp bách, cần thiết triển khai ngay, không được chậm trễ hơn nữa để đảm bảo thống nhất, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc ban hành hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là đúng thẩm quyền. Hiện nay, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đang được điều chỉnh bởi 3 luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Luật Hoạt động giám sát có hẳn Điều 40 về giám sát văn bản. Luật thứ 2 là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hẳn 3, 4 điều và Luật Tổ chức Quốc hội có đến 10 điều. Ngày 11/1/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành thêm quy chế 334 về một số hoạt động giám sát trong đó có chương trình giám sát điều hoà giám sát. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo điều hoà cái này, ban hành văn bản là đúng quá rồi." 

Về phạm vi giám sát, các ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo nghị quyết,  quy định việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật sẽ được thực hiện theo nguyên tắc Hội đồng Dân tộc, các ủy ban được giao chủ trì thẩm tra luật, pháp lệnh, nghị quyết nào sẽ giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết đó.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Phương án 1 nó thể hiện được trọng tâm giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc của các uỷ ban, trước hết phải tập trung vào các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành pháp luật, trách nhiệm chủ trì thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban, nó thể hiện sắc hơn.” 

Nhấn mạnh, đây đã lần thứ 2 nội dung về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, do đó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần hoàn thiện các nội dung để trong thời gian ngắn nhất sớm ban hành dự thảo nghị quyết này. Cho ý kiến đối với kỳ báo cáo, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, bên cạnh quy định để bảo đảm tính thống nhất trong việc đánh giá, tổng hợp thì cũng cần sự linh hoạt.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Theo tôi, kỳ báo cáo nên vào 31/12, sau đó tổng hợp lại cho thống nhất. Nhưng cũng không hẳn đến thời điểm đó mới báo cáo, có thể báo cáo đột xuất khi anh phát hiện văn bản sai, trái hiến pháp, anh phải tức thời tuýt còi ngay, hành động ngay. Tôi thấy chỗ này chưa kỹ. Chúng ta phát hiện những việc tày đình mà phải chờ tới 31/12 thì mới báo cáo." 

Tại phiên họp, một số ý kiến cũng đề nghị, cần bổ sung trong dự thảo nghị quyết nguyên tắc giám sát; làm rõ hơn về trình tự thủ tục; cũng như cần có hướng dẫn, quy định đối với việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc dạng bí mật nhà nước.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, giám sát là hoạt động quan trọng, do vậy việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xây dựng văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban, đáp ứng với yêu cầu của cuộc sống đặt ra. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết hướng dẫn, trong đó quy định cụ thể, có giám sát thường xuyên, có giám sát đột xuất, có kết luận sau giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Uỷ ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu, biên tập bổ sung thêm một số nguyên tắc giám sát văn bản để hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.

Sau thảo luận 100% ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. 

Thùy Linh