Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát

Để chuẩn bị nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 10 tới, chiều 13/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo cuộc họp cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ, Ban chỉ đạo Đề án đã tích cực, chủ động, khẩn trương triển khai nhiệm vụ xây dựng dự thảo đề án, tổ chức 4 phiên họp. Đến nay, Ban chỉ đạo đã nhận được 110 báo cáo của 7 cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), 15 bộ ngành, 57 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), 31 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, đề xuất những nội dung cụ thể, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Ban chỉ đạo cũng đã xây dựng 13 chuyên đề nghiên cứu; tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo đề án. Hồ sơ tài liệu đề án đã xin ý kiến các cơ quan, bộ ngành, địa phương.

Các thành viên Ban chỉ đạo Đề án cũng đồng tình với việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát  phải dựa trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành. Những kiến nghị đổi mới phải xuất phát từ thực tế điều hành, tổ chức thực hiện giám sát, vấn đề hậu giám sát. Các ý kiến cũng cho rằng cần tăng cường việc giám sát lại, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của UBTVQH; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiện có các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giám sát, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; sửa đổi bổ sung năm 2020; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và nhiều nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH về hoạt động giám sát. Dự thảo đề án phải làm rõ việc thực hiện các quy định pháp luật này như thế nào, có những gì bất cập. Việc đổi mới cần xem xét trên 2 khía cạnh là hoàn thiện pháp luật và cách thức tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao hồ sơ dự thảo đề án được chuẩn bị công phu, nhiều tư liệu, có lớp lang, bài bản. Tuy nhiên các nội dung cần bám sát mục đích, yêu cầu của đề án; nhấn mạnh, đề án cần đánh giá được thực trạng công tác giám sát từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, trên cơ sở kế thừa được những thành tựu từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra một số điểm đổi mới trong hoạt động giám sát như linh động trong hoạt động báo cáo Quốc hội, ủy quyền cho UBTVQ trong việc ban hành nghị quyết; không chỉ trong thành lập đoàn giám sát mà còn xây dựng kế hoạch, định hướng giám sát, huy động tham gia của Đoàn ĐBQH hay HĐND cấp tỉnh vào chuyên đề giám sát của QH, UBTVQH hay đoàn giám sát ra Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên…

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, đề án phải đánh giá tổng kết lại những đổi mới của hoạt động giám sát vừa qua, như: chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, UBTVQH; nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo; việc xem xét công tác dân nguyện hàng tháng của UBTVQH, từ đó khẳng định chủ trương xây dựng đề án này là rất cần thiết, nêu ra những bài học kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Rõ ràng Quốc hội không ngừng đổi mới, hoàn thiện như chỉ đạo của Tổng Bí thư, nâng cao năng lực hiệu quả giám sát là mục tiêu xây dựng nhà nước của dân do dân, vì dân. Thứ hai, coi giám sát gắn chặt với công tác xây dựng pháp luật để hoàn thiện chính sách pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng.”

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh  đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát  phải gắn với hiệu lực, hiệu quả, chú trọng vấn đề hậu giám sát; xem xét lại việc thực hiện các kiến nghị giám sát và tăng cường trách nhiệm giải trình. Đề nghị Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Đề án theo hướng trình Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến, kết luận, trong đó đề xuất những giải pháp về hoàn thiện pháp luật, chỉ đạo điều hành, công tác đảm bảo và tổ chức thực hiện.

Khắc Phục