Chú trọng hơn đến chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Tỉnh Nghệ An hiện có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó hoạt động gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đang ngày càng được chú trọng. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp có việc làm thu nhập ổn định đạt khá, với 86,5%. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập, như vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cho nhu cầu đổi mới của nền kinh tế.

Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Nghệ An đã tăng từ 55% năm 2015 lên hơn 66% vào năm 2021. Điều này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động và thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

Ông HOÀNG SỸ TUYẾN, Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An:Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo, đặc biệt là các trường cao đẳng trung cấp thì nhiều ngành nghề có việc làm 100%. Còn nhu cầu người học là anh có đi hay không, Trong một số đơn vị sau khi học sinh tốt nghiệp thì nhà trường có tổ chức buổi phối hợp với các doanh nghiệp cho xe về đưa đón học sinh đi và kết hợp với đó là tổ chức khai giảng khóa mới.”

Xác định nguồn nhân lực là 1 trong 3 trụ cột đột phá, trong đó ngành lao động thương binh xã hội quản lý nguồn lao động trực tiếp, thời gian qua, công tác tham mưu cho tỉnh cũng được đẩy mạnh.

Ông ĐOÀN HỒNG VŨ, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An: “Ngay mảng giáo dục nghề nghiệp nhiệm kỳ này tôi tham mưu quyết liệt đưa vào 1 trong 29 nghị quyết và đề án trọng điểm của chương trình hành động đại hội 19 của đảng bộ tỉnh, … có rất nhiều nội dung xoay quanh trục làm sao để giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Nghệ an đánh giá được thực chất và có những giải pháp để nhiệm kỳ tới đạt được kết quả và hoàn thành nhiệm vụ.” 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, Nghệ An có tốc độ phát triển kinh tế xã hội rất khả quan, với nhiều cơ hội và tiềm năng, do đó việc đáp ứng nguồn lực phục vụ cho sự phát triển là rất quan trọng.

Ông TẠ VĂN HẠ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: “Để đáp ứng được yêu cầu này đề nghị các đồng chí cũng chuẩn bị cho mình cơ sở vật chất đổi mới, trang thiết bị tiệm cận với công nghệ mới công nghệ hiện đại. Và đặc biệt là chú trọng đến chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Bây giờ đối tượng đi học giáo dục nghề nghiệp chủ yếu là thanh niên mà thanh niên bây giờ cần việc làm và ổn định thu nhập và thu nhập cao và muốn có việc làm ổn định và thu nhập cao thì chỉ có học thôi.”

Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp tại địa phương được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đội ngũ giáo viên còn thiếu và chính sách tiền lương, thu nhập thấp. Do đó cần đẩy mạnh tự chủ, hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp để thu hút, phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Lê Hương