Chưa quy định rửa tiền qua tiền ảo trong luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Dự thảo luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) chưa quy định cụ thể hành vi rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo. Thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định các hành vi rủi ro mới phát sinh ngoài hành vi trong luật. Tại phiên họp toàn thể sáng nay do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành, các đại biểu tiếp tục thảo luận cho ý kiến về quy định rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo.

Dự thảo luật phòng chống rửa tiền sửa đổi chưa quy định cụ thể hành vi rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo. Thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định các hành vi rủi ro mới phát sinh ngoài hành vi trong luật. Tại phiên họp toàn thể sáng nay do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành, các đại biểu tiếp tục thảo luận cho ý kiến về quy định rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo.

Các đại biểu cho rằng, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được.

Bà HUỲNH THỊ PHÚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: “Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền.”

Ông NGUYỄN THANH HẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung tcụm từ hoặc các giao dịch khác vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Hiện nay chưa có khái niệm ảo, tiền ảo hoặc tài sản ảo, số hoá,.. do đó cần phải quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hoá và tài sản mã hoá sẽ bao gồm được nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu sử dụng.”

Bà HOÀNG THỊ ĐÔI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La: “Ở khía cạnh nào đó, đã tồn tại thị trường giao dịch loại dữ liệu trên không gian mạng này, xét về kinh tế thì có tiền thật, tài sản thật đổ vào tài nguyên này, chưa có pháp luật kiểm soát, dẫn tới hậu quả là gây nhiều thiệt hại.”

Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đồng thời cũng là giám đốc công an TP Hà Nội cho biết, hiện Công an TP đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính nhiều nghìn tỷ đồng. Phương thức phạm tội rất tinh vi. Đại biểu đề nghị cần phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản.

Ông NGUYỄN HẢI TRUNG, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: “Một là, cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản trên nền tảng trung gian thanh toán, có khi đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả. Hai là, tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.”

Giải trình về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chưa quy định cụ thể hành vi rửa tiền qua tiền ảo cũng như quy định các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng công nghệ. Thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định các hành vi rủi ro mới phát sinh ngoài hành vi luật.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật. Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hộị.”